Thứ Năm, 24 tháng 1, 2008

Cuộc chiến lần cuối

Cuộc chiến lần cuối
Tác giả: Nguyễn Đạt Ân

“Hầu hết hoạt động của Liên Hiệp Quốc vẫn chú trọng đến nhiệm vụ ngăn chặn và chấm dứt các mâu thuẫn bất đồng, nhưng mối nguy hiểm đẩy toàn thể loài người và hành tinh của chúng ta vào chiến tranh và hận thù đang có chiều hướng đi kèm với cuộc khủng hoảng khí hậu và hiện tượng nhiệt độ toàn cầu nóng lên … Trong các thập niên sắp tới, những thay đổi về môi trường, biến động do các cơn đại hạn hán, và những vùng duyên hải bị chìm sâu dưới nước sẽ là nguyên nhân gây ra xung đột và chiến tranh” (Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon, 1/3/2007). Trong quá khứ, 2/3 các cuộc chiến tranh đều bắt nguồn từ những mâu thuẫn xảy ra xung quanh việc tranh giành nguồn tài nguyên thiên nhiên và khủng hoảng khí hậu. Điều gì đã xảy ra, đang xảy ra và sẽ kết thúc nếu loài người không thể vượt qua cơn cám dỗ lần cuối này ?
Qua nghiên cứu lịch sử về các giai đoạn thay đổi nhiệt độ của thời kỳ “Tiểu băng hà” (the Little Ice Age, từ năm 1400 – 1900 sau C.N.), các nhà khoa học Mỹ, Anh, Hong Kong và Trung Quốc đã đưa ra những mối tương quan đáng chú ý giữa thay đổi khí hậu và chiến tranh. Cuối tháng 12 vừa rồi, David Zhang – Giáo sư địa lý tại Đại học Hong Kong đã công bố trong một cuộc phỏng vấn: “Khi những thay đổi về sinh thái như thế diễn ra, con người có khuynh hướng di chuyển sang một nơi khác. Những cuộc di dân khổng lồ thường dẫn đến chiến tranh, tương tự như ở thế kỷ 13, khi người Mông Cổ bị hạn hán và họ đã tiến đánh Trung Hoa Đại Lục. Hoặc như trường hợp của người Mãn Châu đã di chuyển vào Trung Nguyên vào thế kỷ 17 vì vùng đông bắc Á trải qua những cơn lạnh bất thường”.
Tháng 8 vừa qua, hầu hết các tờ báo lớn trên thế giới đều giật tít: Darfur – Cuộc chiến đầu tiên vì khủng hoảng khí hậu ? Thật vậy, nguồn gốc thực sự cho những xung đột ở Darfur chính là các cơn hạn bà chằng gây ra nạn đói triền miên vào giữa thập niên 1980, biến các nông dân và trại chủ chăn nuôi gia súc ở Sudan và vùng Mũi sừng Châu Phi (còn được gọi là Bán đảo Somali) thành những kẻ đấu tranh vì nguồn nước và đất đai cho đến tận bây giờ. Tất cả đều dự đoán: “Những kẻ chuẩn bị giết chóc, cưỡng hiếp và cướp phá trong tương lai sẽ nằm trong thành phần xã hội mà cuộc sống truyền thống của họ bị cơn khủng hoảng khí hậu đè nén. Có khả năng trong tương lai gần, hiện tượng biến đổi khí hậu sẽ gây ra những cuộc chiến như ở Darfur”. David Rothkopf – Học giả tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế đã thẳng thừng nhận xét: “Chúng ta không còn trong giai đoạn hậu chiến tranh lạnh nữa. Chúng ta đang đứng trước một giai đoạn hoàn toàn mới. Tôi muốn nói rằng chúng ta đã bước vào đầu kỷ nguyên của chiến tranh khí hậu”.
EROI và những giọt dầu cuối cùng
Có bao giờ bạn ở trong Nỗi Cô Đơn Lớn Lao,khi vầng trăng sáng tỏ thật dễ sợ ?Và các núi băng vây bọc xung quanhbằng sự thinh lặng nghe rất rõ;với tiếng tru thét của con sói lông xám,và bạn dừng chân trong lạnh lẽo,cảm giác tê bại trong một thế giới khắc nghiệt,mất trí vì thứ tạp chất gọi là vàng.
(Robert Service (1874 – 1958). Tác giả văn học nổi tiếng vì các chủ đề tả thực cuộc đổ xô đi tìm vàng ở vùng tây bắc Canada cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19.)
Khái niệm về năng lượng của cố thiên tài Richard Feynman (1918 – 1988) trong những thuật ngữ về EROI (Energy Return On Investment – tạm dịch là “Năng lượng tái đầu tư”) và NE (Net Energy – tạm dịch là năng lượng thặng dư) đã bao hàm toàn bộ nguồn gốc động năng của sự sống trên Trái Đất. EROI là tỷ lệ giữa tổng mức năng lượng thu về so với mức năng lượng được dùng để hoạt hóa bản thân quá trình thu về đó; trong khi đó, năng lượng thặng dư bằng hiệu số của hai tổng mức năng lượng ở trên. Lý thuyết này cũng tương tự như việc một người sử dụng năng lượng của chính mình để cầm đũa gắp thức ăn. Anh (cô) ta có đủ năng lượng để cầm chiếc đũa gắp được đồ ăn bỏ vào miệng, từ đó bổ sung thêm năng lượng cho cơ thể, hay không ? Điều đó rất quan trọng, bởi vì:Chức năng căn bản nhất của tất cả mọi chủng loài chính là sử dụng năng lượng để thu được nhiều năng lượng hơn từ môi trường. Khi năng lượng được dùng để hoạt hóa các hoạt động có lợi, năng lượng sẽ suy biến từ trạng thái có định tính cao sang trạng thái có định tính thấp. Điều này có nghĩa là mọi hệ thống đều phải liên tục thay thế nguồn năng lượng mà chúng sử dụng, và khi làm thế thì cần nhiều năng lượng hơn. Thực tế căn bản này cho thấy khái niệm về EROI và năng lượng thặng dư được dùng để giải thích cho khuynh hướng phát triển luôn mãi của mọi sinh vật, sự phân bố và tính phong phú, cũng như cơ cấu và chức năng của các hệ sinh thái.Ai cũng biết giai đoạn đỉnh điểm dầu mỏ (Peak Oil) của tất cả các mỏ dầu lớn trên thế giới đã trôi qua và trữ lượng khai thác dầu đang suy giảm, mâu thuẫn với nhu cầu tiêu thụ dầu ngày càng lớn của các nền kinh tế. Sự cố gắng vớt vát chút nhiên liệu hóa thạch còn lại càng làm rõ tình trạng khủng hoảng năng lượng của thế giới, khi mà các tập đoàn dầu khí Mỹ và Trung Quốc đang tưởng tượng những mỏ cát nhựa hắc ín (tar sand) ở vùng bắc Alberta và một phần Saskatchewan (Canada) là một El Dorado mới (El Dorado là một vùng đất mơ ước của những kẻ đào vàng, nơi mang truyền thuyết của thổ dân Bắc Mỹ có chứa rất nhiều vàng). “Những kẻ mất trí vì thứ tạp chất gọi là dầu” này dường như phớt lờ việc chỉ số EROI của cát nhựa hắc ín Canada, nếu đem so sánh với than đá (80,0), dầu mỏ (20,0), và khí đốt (15,0), là rất thấp: trong khoảng chỉ từ 4,0 đến 1,0. Các kỹ thuật và công nghệ dùng để chiết xuất và tinh chế dầu từ cát nhựa hắc ín rất tốn tiền và phải dùng nhiều năng lượng. Điều này chẳng khác gì bỏ con tôm, bắt con tép. Hơn nữa, trữ lượng dầu có trong những mỏ cát nhựa hắc ín này sẽ không quá 2 tỷ thùng, mặc dù giáo sư David Hughes của Viện nghiên cứu địa lý Canada (GSC) nói đùa: “Vẫn còn nhiều hy vọng để có thể tiếp tục kinh doanh như bình thường … trong một thế giới mà người ta khai thác dầu không theo kiểu chính quy như trước. Cứ cho cái đống vàng đen đó có trữ lượng lên đến 3 tỷ thùng đi nữa, thì với cách thức khai thác như thế, mọi chuyện cũng trở thành vô nghĩa”.Mới đây không lâu, những diễn biến tại Bắc cực và Nam cực mô tả cuộc đổ xô đi tìm dầu cũng cấp bách và tàn nhẫn như cơn đói vàng Gold Rush (1848 – 1855) ngày nào ở California (Mỹ). Ngày 2/8/2007, một tàu ngầm mini của Nga đã thừa cơ cắm cờ dưới đáy biển Bắc cực, tuyên bố chủ quyền trên một nửa thềm lục địa Bắc Băng Dương hiện đang lộ ra do băng tan. Ngay lập tức, Ngoại trưởng Canada Peter McKay phản đối: “Đây không phải là thế kỷ 15”. Sau đó, Canada công bố một lịch trình đi thăm Bắc cực ba ngày của thủ tướng chính phủ và hé lộ kế hoạch xây dựng hai căn cứ quân sự mới tại đây để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Không chỉ có Nga và Canada đang quan tâm đến những mỏ dầu chưa được thăm dò dưới đáy Bắc cực, Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy, Iceland và Mỹ cũng chú ý không kém. Ngoài chuyện băng tan, tình hình các vùng cực nay càng nóng thêm vì sự tranh giành chủ quyền của những vùng đất mới.
Cần nói thêm rằng, vào năm 1998, khi biết chuyện Trung Quốc chiếm đóng đá Vành Khăn (Mischief Reef) – một trong những đơn vị đảo đá của Phillipines nằm trong hệ thống quần đảo Trường Sa ngoài biển Đông, lúc ấy, Nguyên Tư lệnh lực lượng Mỹ vùng Thái Bình Dương, đô đốc Joseph Prueher, hứa hẹn: “Hoa Kỳ sẽ theo dõi sát sao những diễn tiến trên đá Vành Khăn”. Nỗi lo âu này còn được gạch chân thêm bằng câu nói của một viên sĩ quan hải quân Hoa Kỳ khác với tờ National Geographic: “Tôi chỉ mong sao họ không tìm ra dầu ở Trường Sa”. Cơn đói dầu làm nhiều chính phủ đang tính đến mức giới hạn tự nhiên của dầu hỏa trong chiến lược địa chính trị và an ninh quốc gia. Chúng ta đã có thể cảm thấy nỗi sợ hãi bên trong những trung tâm quyền lực nhất thế giới, khi mà họ đã đang cố tranh giành và sắp xếp tình hình chính trị để bảo đảm mức ổn định, tiến đến tiếp cận và kiểm soát những quốc gia sản xuất dầu mỏ để có được dòng vàng đen miễn phí chảy về đất nước họ. Thế nhưng, càng đốt thêm thứ vàng đen này bao nhiêu, tình trạng biến đổi khí hậu sẽ càng trở nên tồi tệ hơn.
Những nỗi sợ rất khó tưởng tượng“Có những điều đã được biết. Có những thứ chúng ta biết rằng chúng ta biết. Và chúng ta cũng biết có những thứ chúng ta chưa hề biết”(Donald Rumsfeld - Cựu Bộ trưởng quốc phòng Mỹ)
Không chỉ giới chính trị và lãnh đạo mà những bộ máy chiến tranh và quân sự tầm cỡ thế giới cũng đang lo sợ. Tháng 10/2003, một nghiên cứu mật mang tên “Bối cảnh khí hậu thay đổi nhanh chóng và chỉ báo của vấn đề này đối với nền an ninh Hoa Kỳ” của Lầu Năm Góc bị rò rỉ ra ngoài, trong đó cho thấy Bộ Quốc phòng Mỹ đã khuyên Nhà Trắng cẩn trọng như thế nào về cuộc khủng hoảng khí hậu sắp tới. Không như những nhà khoa học môi trường đang kêu gào cảnh báo, tác giả của những nghiên cứu này – Peter Schwartz (một cố vấn thuộc CIA) và Doug Randall (thuộc Mạng kinh doanh toàn cầu California) – là những chuyên viên phân tích quân sự thâm thúy. Họ lạnh lùng tuyên bố: “Mục đích của nghiên cứu này là để tưởng tượng những thứ không thể nghĩ ra được – to imagine the unthinkable”. Qua loạt phỏng vấn với những khoa học gia hàng đầu trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, những điểm chính trong nghiên cứu này ít nhất cho thấy khí hậu thay đổi có thể làm cho nhiều thành phố lớn của Châu Âu sẽ chìm dưới mực nước biển, Anh quốc sẽ trở thành một Siberia vào năm 2020, Bangladesh không còn là chỗ để mà ở, và các cơn đại hạn hán đe dọa ổ bánh mỳ của Châu Mỹ.
Năm 2007, Trung tâm Phân tích của hải quân Hoa Kỳ (Center for Naval Analysis – CNA) đã thiết lập một hội đồng cố vấn quân sự bao gồm 11 viên đô đốc và tướng bốn sao đã nghỉ hưu, nhằm nghiên cứu và công bố một bản báo cáo mang tên: “An ninh quốc gia trước sự đe dọa của biến đổi khí hậu”. Bản báo cáo này nêu rõ 4 khám phá của giới quân sự cấp cao Mỹ: (1) Biến đổi khí hậu, dù được dự kiến trước, sẽ đe dọa an ninh quốc gia Hoa Kỳ; (2) Biến đổi khí hậu làm tăng gấp bội tình trạng căng thẳng ở một số khu vực vốn đã bất ổn trên thế giới; (3) Biến đổi khí hậu sẽ gây ra căng thẳng cho thậm chí những vùng ổn định trên thế giới; (4) Biến đổi khí hậu, nền an ninh quốc gia, và sự phụ thuộc vào năng lượng chính là những vấn đề đang thách thức giới quân sự toàn cầu.
Từ đó, bản báo cáo cũng đưa ra 5 gợi ý nhằm làm giảm mối đe dọa: (1) Mục tiêu bảo vệ nền an ninh quốc gia trước biến đổi khí hậu nên được tích hợp hoàn toàn vào các chiến lược an ninh và quốc phòng của Hoa Kỳ; (2) Hoa Kỳ nên đóng vai trò mạnh mẽ hơn trong phạm vi quốc gia và quốc tế nhằm giúp bình ổn cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu ở những tầm mức tránh gây ra xung đột đáng kể đe dọa đến nền an ninh và ổn định toàn cầu; (3) Hoa Kỳ nên cam kết với bạn bè quốc tế giúp đỡ các quốc gia khác xây dựng khả năng và phương tiện nhằm kiểm soát hiệu quả hơn những tác động của biến đổi khí hậu; (4) Bộ quốc phòng nên tăng cường khả năng hành động bằng cách đẩy nhanh áp dụng các thao tác và công nghệ giúp cải thiện sức mạnh quân sự của Mỹ thông qua việc sử dụng năng lượng hiệu quả; (5) Bộ quốc phòng nên tiến hành một cuộc kiểm tra đánh giá ảnh hưởng của thủy triều dâng, điều kiện khí hậu khắc nghiệt, và những tác động khác do biến đổi khí hậu gây ra, có ảnh hưởng đến toàn bộ các căn cứ và thiết bị quân sự của Hoa Kỳ trên toàn cầu trong vòng 30 hoặc 40 năm sắp tới.
Hiển nhiên, tình trạng gần như cấp bách, khi mà Nguyên Tổng tham mưu trưởng quân đội Hoa Kỳ – Tướng Gordonr Sullivan đã tuyên bố: “Chúng ta chưa bao giờ có được 100% sự chắc chắn. Chúng ta sẽ không bao giờ có được điều đó. Nhưng nếu đợi cho đến khi có được con số 100%, điều tồi tệ nhất đã đang nằm ngoài bãi chiến trường rồi”. Viên tướng này còn cho biết: “Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, mọi thứ có thể dàn xếp được giữa con người với nhau. Lúc ấy, dường như điều tồi tệ nhất cũng vẫn mang tính ổn định. Ngược lại, khí hậu biến đổi lại là chuyện khác. Thiên nhiên không biết đến thỏa hiệp. Đã đến lúc chúng ta nên tìm kiếm sự ổn định từ việc cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính”.
Theo quy luật, trò chơi của những kẻ mạnh là lợi dụng những bất ổn của tình hình để thu lợi. Trong bất cứ tình huống nào, kẻ mạnh luôn nắm đằng cán dao. Và đây là lời khuyên dành cho các nước đang phát triển: Hãy cẩn trọng. Đừng để các chỉ số tăng trưởng kinh tế làm mờ mắt. Mọi thứ sẽ sụp đổ khi cơn khủng hoảng năng lượng và khí hậu tấn công. Đây là lúc cần khôn ngoan và suy nghĩ xem nên đặt sự ưu tiên và chiến lược phát triển của mình ở đâu.
Cuộc chiến lần cuối“Thông điệp của chúng tôi ở đây là muốn nói với các quốc gia này [các nước phát triển] rằng, họ đang làm chúng tôi bực mình vì đã gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu … Alaska có thể sẽ tốt cho việc trồng trọt, Siberia có thể có nền nông nghiệp phát triển, nhưng Châu Phi sẽ còn lại được những gì ?”Tổng thống Uganda Yoweri Museveni phát biểu tại cuộc họp thượng đỉnh đoàn kết Châu Phi (tháng 2/2007, Addis Ababa, Ethiopia)
Riêng trong năm 1998, 300 triệu người (tức là 1/20 dân số thế giới) đã phải rời bỏ nơi trú ngụ của mình trong một tuần, một tháng, hay mãi mãi do hậu quả của thiên tai. Đây là con số kỷ lục từ trước đến nay. Nhưng trong tương lai, con số này sẽ bị vượt qua. Báo cáo của CNA tiết lộ: “Tình trạng căng thẳng sẽ xuất hiện một khi dòng di dân từ Châu Phi và Trung Đông – bị tác động bởi biến đổi khí hậu – sẽ gây sức ép thêm về kinh tế và xã hội cho các quốc gia ở Châu Âu. Một số đồng minh thân cận nhất của người Mỹ có thể bị bối rối vì cần phải bảo vệ biên giới của riêng họ. Những mối quan tâm nội bộ như thế có thể sẽ làm cho sự gắn kết quốc tế trở nên khó khăn, khiến giai đoạn chuẩn bị đối phó không còn ý nghĩa nữa … Châu Âu sẽ rất quan tâm đến đường biên giới của mình. Đây là một hiểm họa tiềm tàng làm gãy đổ mối quan hệ của chúng ta [người Mỹ] với các đồng minh Châu Âu”.
Nguồn lương thực thực phẩm, nước sạch và những dòng di dân – hậu quả của biến đổi khí hậu - chắc chắn sẽ đe dọa đến nền an ninh toàn cầu, gây ra xung đột và những cuộc chiến. Kinh nghiệm trong quá khứ đã cho thấy rất rõ điều đó, khi mà những làn sóng người chạy tị nạn Myanmar ở Thái Lan, Nicaragua ở Honduras, Palestine ở Lebanon, hay Somali ở Cộng hòa Congo và Macedonia, luôn là nguyên nhân gây ra các cuộc nội chiến nhỏ. Ngày 6/11/2007, Cục Môi trường Anh gần như đã công bố chiến tranh thế giới thứ ba khi mà vị điều hành Lady Young của cục này cảnh báo những cố gắng nhằm đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu của nước Anh cần phải được đặt trong tình trạng khẩn cấp của thời chiến.
Trước đó, chính sách kinh tế của người Mỹ cũng có những chuyển biến quá rõ ràng: chủ động đi từ đồng đô la – vàng (gắn với vàng, lấy vàng làm tiêu chí) trở thành đồng đô la – dầu mỏ (gắn với dầu, lấy dầu mỏ làm tiêu chí) để thao túng giá dầu. Chắc chắn Hoa Kỳ đang có những chính sách và chiến lược nhằm kiểm soát tình hình và thu lợi, khi mà người Nga gần đây đang tăng cường lực lượng phòng không ngoài khơi xứ Scotland và Na Uy, Trung Quốc đẩy mạnh tầm ảnh hưởng lên lục địa Châu Phi và vùng nam Á, Nhật Bản đành phải ký một số thỏa ước khai thác dầu khí ở biển Nhật Bản, nhưng đang tranh thủ trang bị vũ khí cao cấp cho hệ thống quốc phòng. Mọi sự thật quá rõ ràng đến không thể hơn trong lời phát biểu của Ngoại trưởng Anh Margaret Beckett gần đây: “Những xung đột về tài nguyên là không mới. Nhưng trong bối cảnh biến đổi khí hậu, người ta có thêm nhiều động cơ để tranh thủ mối hiểm họa”. Còn nhà phê bình xã hội James Howard Kunstler thì tưởng tượng: “Một cuộc thi thố về quân sự có liên quan đến dầu mỏ có thể bùng lên bất cứ lúc nào từ khu vực Trung Đông đến vùng Đông Nam Á. Những khối đá căng thẳng đang ngày càng được dồn lên cao và có khả năng sụp đổ một cách bi thảm. Tôi có thể thấy trong ánh mắt lạ lùng của những vị lãnh đạo cấp cao sự suy tính cho một cuộc chiến”.
Tình hình kinh doanh của thế giới cũng chuyển đổi theo những chiều hướng thích nghi với khí hậu chỉ để kiếm được nhiều tiền hơn. Những tập đoàn lớn mơ mộng: “Hỡi tất cả những khách hàng yêu dấu, làm thế nào chúng tôi có thể bán cho các vị nước sạch, không khí trong lành, và một chỗ khô ráo để mà ngồi ?”. Những dự báo kinh tế trong năm 2008 cho thấy những thương hiệu lớn đang đính kèm màu xanh lá cây vào sản phẩm của họ. Trong khi đó, một số quốc gia nghèo và đang phát triển vẫn ngây thơ khi tin vào chuyện kiếm tiền từ kế hoạch đánh thuế lên khí thải carbon của Ngân hàng Thế giới (WB).

Không có nhận xét nào: