Thứ Năm, 24 tháng 1, 2008

Cuộc chiến lần cuối

Cuộc chiến lần cuối
Tác giả: Nguyễn Đạt Ân

“Hầu hết hoạt động của Liên Hiệp Quốc vẫn chú trọng đến nhiệm vụ ngăn chặn và chấm dứt các mâu thuẫn bất đồng, nhưng mối nguy hiểm đẩy toàn thể loài người và hành tinh của chúng ta vào chiến tranh và hận thù đang có chiều hướng đi kèm với cuộc khủng hoảng khí hậu và hiện tượng nhiệt độ toàn cầu nóng lên … Trong các thập niên sắp tới, những thay đổi về môi trường, biến động do các cơn đại hạn hán, và những vùng duyên hải bị chìm sâu dưới nước sẽ là nguyên nhân gây ra xung đột và chiến tranh” (Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon, 1/3/2007). Trong quá khứ, 2/3 các cuộc chiến tranh đều bắt nguồn từ những mâu thuẫn xảy ra xung quanh việc tranh giành nguồn tài nguyên thiên nhiên và khủng hoảng khí hậu. Điều gì đã xảy ra, đang xảy ra và sẽ kết thúc nếu loài người không thể vượt qua cơn cám dỗ lần cuối này ?
Qua nghiên cứu lịch sử về các giai đoạn thay đổi nhiệt độ của thời kỳ “Tiểu băng hà” (the Little Ice Age, từ năm 1400 – 1900 sau C.N.), các nhà khoa học Mỹ, Anh, Hong Kong và Trung Quốc đã đưa ra những mối tương quan đáng chú ý giữa thay đổi khí hậu và chiến tranh. Cuối tháng 12 vừa rồi, David Zhang – Giáo sư địa lý tại Đại học Hong Kong đã công bố trong một cuộc phỏng vấn: “Khi những thay đổi về sinh thái như thế diễn ra, con người có khuynh hướng di chuyển sang một nơi khác. Những cuộc di dân khổng lồ thường dẫn đến chiến tranh, tương tự như ở thế kỷ 13, khi người Mông Cổ bị hạn hán và họ đã tiến đánh Trung Hoa Đại Lục. Hoặc như trường hợp của người Mãn Châu đã di chuyển vào Trung Nguyên vào thế kỷ 17 vì vùng đông bắc Á trải qua những cơn lạnh bất thường”.
Tháng 8 vừa qua, hầu hết các tờ báo lớn trên thế giới đều giật tít: Darfur – Cuộc chiến đầu tiên vì khủng hoảng khí hậu ? Thật vậy, nguồn gốc thực sự cho những xung đột ở Darfur chính là các cơn hạn bà chằng gây ra nạn đói triền miên vào giữa thập niên 1980, biến các nông dân và trại chủ chăn nuôi gia súc ở Sudan và vùng Mũi sừng Châu Phi (còn được gọi là Bán đảo Somali) thành những kẻ đấu tranh vì nguồn nước và đất đai cho đến tận bây giờ. Tất cả đều dự đoán: “Những kẻ chuẩn bị giết chóc, cưỡng hiếp và cướp phá trong tương lai sẽ nằm trong thành phần xã hội mà cuộc sống truyền thống của họ bị cơn khủng hoảng khí hậu đè nén. Có khả năng trong tương lai gần, hiện tượng biến đổi khí hậu sẽ gây ra những cuộc chiến như ở Darfur”. David Rothkopf – Học giả tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế đã thẳng thừng nhận xét: “Chúng ta không còn trong giai đoạn hậu chiến tranh lạnh nữa. Chúng ta đang đứng trước một giai đoạn hoàn toàn mới. Tôi muốn nói rằng chúng ta đã bước vào đầu kỷ nguyên của chiến tranh khí hậu”.
EROI và những giọt dầu cuối cùng
Có bao giờ bạn ở trong Nỗi Cô Đơn Lớn Lao,khi vầng trăng sáng tỏ thật dễ sợ ?Và các núi băng vây bọc xung quanhbằng sự thinh lặng nghe rất rõ;với tiếng tru thét của con sói lông xám,và bạn dừng chân trong lạnh lẽo,cảm giác tê bại trong một thế giới khắc nghiệt,mất trí vì thứ tạp chất gọi là vàng.
(Robert Service (1874 – 1958). Tác giả văn học nổi tiếng vì các chủ đề tả thực cuộc đổ xô đi tìm vàng ở vùng tây bắc Canada cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19.)
Khái niệm về năng lượng của cố thiên tài Richard Feynman (1918 – 1988) trong những thuật ngữ về EROI (Energy Return On Investment – tạm dịch là “Năng lượng tái đầu tư”) và NE (Net Energy – tạm dịch là năng lượng thặng dư) đã bao hàm toàn bộ nguồn gốc động năng của sự sống trên Trái Đất. EROI là tỷ lệ giữa tổng mức năng lượng thu về so với mức năng lượng được dùng để hoạt hóa bản thân quá trình thu về đó; trong khi đó, năng lượng thặng dư bằng hiệu số của hai tổng mức năng lượng ở trên. Lý thuyết này cũng tương tự như việc một người sử dụng năng lượng của chính mình để cầm đũa gắp thức ăn. Anh (cô) ta có đủ năng lượng để cầm chiếc đũa gắp được đồ ăn bỏ vào miệng, từ đó bổ sung thêm năng lượng cho cơ thể, hay không ? Điều đó rất quan trọng, bởi vì:Chức năng căn bản nhất của tất cả mọi chủng loài chính là sử dụng năng lượng để thu được nhiều năng lượng hơn từ môi trường. Khi năng lượng được dùng để hoạt hóa các hoạt động có lợi, năng lượng sẽ suy biến từ trạng thái có định tính cao sang trạng thái có định tính thấp. Điều này có nghĩa là mọi hệ thống đều phải liên tục thay thế nguồn năng lượng mà chúng sử dụng, và khi làm thế thì cần nhiều năng lượng hơn. Thực tế căn bản này cho thấy khái niệm về EROI và năng lượng thặng dư được dùng để giải thích cho khuynh hướng phát triển luôn mãi của mọi sinh vật, sự phân bố và tính phong phú, cũng như cơ cấu và chức năng của các hệ sinh thái.Ai cũng biết giai đoạn đỉnh điểm dầu mỏ (Peak Oil) của tất cả các mỏ dầu lớn trên thế giới đã trôi qua và trữ lượng khai thác dầu đang suy giảm, mâu thuẫn với nhu cầu tiêu thụ dầu ngày càng lớn của các nền kinh tế. Sự cố gắng vớt vát chút nhiên liệu hóa thạch còn lại càng làm rõ tình trạng khủng hoảng năng lượng của thế giới, khi mà các tập đoàn dầu khí Mỹ và Trung Quốc đang tưởng tượng những mỏ cát nhựa hắc ín (tar sand) ở vùng bắc Alberta và một phần Saskatchewan (Canada) là một El Dorado mới (El Dorado là một vùng đất mơ ước của những kẻ đào vàng, nơi mang truyền thuyết của thổ dân Bắc Mỹ có chứa rất nhiều vàng). “Những kẻ mất trí vì thứ tạp chất gọi là dầu” này dường như phớt lờ việc chỉ số EROI của cát nhựa hắc ín Canada, nếu đem so sánh với than đá (80,0), dầu mỏ (20,0), và khí đốt (15,0), là rất thấp: trong khoảng chỉ từ 4,0 đến 1,0. Các kỹ thuật và công nghệ dùng để chiết xuất và tinh chế dầu từ cát nhựa hắc ín rất tốn tiền và phải dùng nhiều năng lượng. Điều này chẳng khác gì bỏ con tôm, bắt con tép. Hơn nữa, trữ lượng dầu có trong những mỏ cát nhựa hắc ín này sẽ không quá 2 tỷ thùng, mặc dù giáo sư David Hughes của Viện nghiên cứu địa lý Canada (GSC) nói đùa: “Vẫn còn nhiều hy vọng để có thể tiếp tục kinh doanh như bình thường … trong một thế giới mà người ta khai thác dầu không theo kiểu chính quy như trước. Cứ cho cái đống vàng đen đó có trữ lượng lên đến 3 tỷ thùng đi nữa, thì với cách thức khai thác như thế, mọi chuyện cũng trở thành vô nghĩa”.Mới đây không lâu, những diễn biến tại Bắc cực và Nam cực mô tả cuộc đổ xô đi tìm dầu cũng cấp bách và tàn nhẫn như cơn đói vàng Gold Rush (1848 – 1855) ngày nào ở California (Mỹ). Ngày 2/8/2007, một tàu ngầm mini của Nga đã thừa cơ cắm cờ dưới đáy biển Bắc cực, tuyên bố chủ quyền trên một nửa thềm lục địa Bắc Băng Dương hiện đang lộ ra do băng tan. Ngay lập tức, Ngoại trưởng Canada Peter McKay phản đối: “Đây không phải là thế kỷ 15”. Sau đó, Canada công bố một lịch trình đi thăm Bắc cực ba ngày của thủ tướng chính phủ và hé lộ kế hoạch xây dựng hai căn cứ quân sự mới tại đây để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Không chỉ có Nga và Canada đang quan tâm đến những mỏ dầu chưa được thăm dò dưới đáy Bắc cực, Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy, Iceland và Mỹ cũng chú ý không kém. Ngoài chuyện băng tan, tình hình các vùng cực nay càng nóng thêm vì sự tranh giành chủ quyền của những vùng đất mới.
Cần nói thêm rằng, vào năm 1998, khi biết chuyện Trung Quốc chiếm đóng đá Vành Khăn (Mischief Reef) – một trong những đơn vị đảo đá của Phillipines nằm trong hệ thống quần đảo Trường Sa ngoài biển Đông, lúc ấy, Nguyên Tư lệnh lực lượng Mỹ vùng Thái Bình Dương, đô đốc Joseph Prueher, hứa hẹn: “Hoa Kỳ sẽ theo dõi sát sao những diễn tiến trên đá Vành Khăn”. Nỗi lo âu này còn được gạch chân thêm bằng câu nói của một viên sĩ quan hải quân Hoa Kỳ khác với tờ National Geographic: “Tôi chỉ mong sao họ không tìm ra dầu ở Trường Sa”. Cơn đói dầu làm nhiều chính phủ đang tính đến mức giới hạn tự nhiên của dầu hỏa trong chiến lược địa chính trị và an ninh quốc gia. Chúng ta đã có thể cảm thấy nỗi sợ hãi bên trong những trung tâm quyền lực nhất thế giới, khi mà họ đã đang cố tranh giành và sắp xếp tình hình chính trị để bảo đảm mức ổn định, tiến đến tiếp cận và kiểm soát những quốc gia sản xuất dầu mỏ để có được dòng vàng đen miễn phí chảy về đất nước họ. Thế nhưng, càng đốt thêm thứ vàng đen này bao nhiêu, tình trạng biến đổi khí hậu sẽ càng trở nên tồi tệ hơn.
Những nỗi sợ rất khó tưởng tượng“Có những điều đã được biết. Có những thứ chúng ta biết rằng chúng ta biết. Và chúng ta cũng biết có những thứ chúng ta chưa hề biết”(Donald Rumsfeld - Cựu Bộ trưởng quốc phòng Mỹ)
Không chỉ giới chính trị và lãnh đạo mà những bộ máy chiến tranh và quân sự tầm cỡ thế giới cũng đang lo sợ. Tháng 10/2003, một nghiên cứu mật mang tên “Bối cảnh khí hậu thay đổi nhanh chóng và chỉ báo của vấn đề này đối với nền an ninh Hoa Kỳ” của Lầu Năm Góc bị rò rỉ ra ngoài, trong đó cho thấy Bộ Quốc phòng Mỹ đã khuyên Nhà Trắng cẩn trọng như thế nào về cuộc khủng hoảng khí hậu sắp tới. Không như những nhà khoa học môi trường đang kêu gào cảnh báo, tác giả của những nghiên cứu này – Peter Schwartz (một cố vấn thuộc CIA) và Doug Randall (thuộc Mạng kinh doanh toàn cầu California) – là những chuyên viên phân tích quân sự thâm thúy. Họ lạnh lùng tuyên bố: “Mục đích của nghiên cứu này là để tưởng tượng những thứ không thể nghĩ ra được – to imagine the unthinkable”. Qua loạt phỏng vấn với những khoa học gia hàng đầu trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, những điểm chính trong nghiên cứu này ít nhất cho thấy khí hậu thay đổi có thể làm cho nhiều thành phố lớn của Châu Âu sẽ chìm dưới mực nước biển, Anh quốc sẽ trở thành một Siberia vào năm 2020, Bangladesh không còn là chỗ để mà ở, và các cơn đại hạn hán đe dọa ổ bánh mỳ của Châu Mỹ.
Năm 2007, Trung tâm Phân tích của hải quân Hoa Kỳ (Center for Naval Analysis – CNA) đã thiết lập một hội đồng cố vấn quân sự bao gồm 11 viên đô đốc và tướng bốn sao đã nghỉ hưu, nhằm nghiên cứu và công bố một bản báo cáo mang tên: “An ninh quốc gia trước sự đe dọa của biến đổi khí hậu”. Bản báo cáo này nêu rõ 4 khám phá của giới quân sự cấp cao Mỹ: (1) Biến đổi khí hậu, dù được dự kiến trước, sẽ đe dọa an ninh quốc gia Hoa Kỳ; (2) Biến đổi khí hậu làm tăng gấp bội tình trạng căng thẳng ở một số khu vực vốn đã bất ổn trên thế giới; (3) Biến đổi khí hậu sẽ gây ra căng thẳng cho thậm chí những vùng ổn định trên thế giới; (4) Biến đổi khí hậu, nền an ninh quốc gia, và sự phụ thuộc vào năng lượng chính là những vấn đề đang thách thức giới quân sự toàn cầu.
Từ đó, bản báo cáo cũng đưa ra 5 gợi ý nhằm làm giảm mối đe dọa: (1) Mục tiêu bảo vệ nền an ninh quốc gia trước biến đổi khí hậu nên được tích hợp hoàn toàn vào các chiến lược an ninh và quốc phòng của Hoa Kỳ; (2) Hoa Kỳ nên đóng vai trò mạnh mẽ hơn trong phạm vi quốc gia và quốc tế nhằm giúp bình ổn cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu ở những tầm mức tránh gây ra xung đột đáng kể đe dọa đến nền an ninh và ổn định toàn cầu; (3) Hoa Kỳ nên cam kết với bạn bè quốc tế giúp đỡ các quốc gia khác xây dựng khả năng và phương tiện nhằm kiểm soát hiệu quả hơn những tác động của biến đổi khí hậu; (4) Bộ quốc phòng nên tăng cường khả năng hành động bằng cách đẩy nhanh áp dụng các thao tác và công nghệ giúp cải thiện sức mạnh quân sự của Mỹ thông qua việc sử dụng năng lượng hiệu quả; (5) Bộ quốc phòng nên tiến hành một cuộc kiểm tra đánh giá ảnh hưởng của thủy triều dâng, điều kiện khí hậu khắc nghiệt, và những tác động khác do biến đổi khí hậu gây ra, có ảnh hưởng đến toàn bộ các căn cứ và thiết bị quân sự của Hoa Kỳ trên toàn cầu trong vòng 30 hoặc 40 năm sắp tới.
Hiển nhiên, tình trạng gần như cấp bách, khi mà Nguyên Tổng tham mưu trưởng quân đội Hoa Kỳ – Tướng Gordonr Sullivan đã tuyên bố: “Chúng ta chưa bao giờ có được 100% sự chắc chắn. Chúng ta sẽ không bao giờ có được điều đó. Nhưng nếu đợi cho đến khi có được con số 100%, điều tồi tệ nhất đã đang nằm ngoài bãi chiến trường rồi”. Viên tướng này còn cho biết: “Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, mọi thứ có thể dàn xếp được giữa con người với nhau. Lúc ấy, dường như điều tồi tệ nhất cũng vẫn mang tính ổn định. Ngược lại, khí hậu biến đổi lại là chuyện khác. Thiên nhiên không biết đến thỏa hiệp. Đã đến lúc chúng ta nên tìm kiếm sự ổn định từ việc cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính”.
Theo quy luật, trò chơi của những kẻ mạnh là lợi dụng những bất ổn của tình hình để thu lợi. Trong bất cứ tình huống nào, kẻ mạnh luôn nắm đằng cán dao. Và đây là lời khuyên dành cho các nước đang phát triển: Hãy cẩn trọng. Đừng để các chỉ số tăng trưởng kinh tế làm mờ mắt. Mọi thứ sẽ sụp đổ khi cơn khủng hoảng năng lượng và khí hậu tấn công. Đây là lúc cần khôn ngoan và suy nghĩ xem nên đặt sự ưu tiên và chiến lược phát triển của mình ở đâu.
Cuộc chiến lần cuối“Thông điệp của chúng tôi ở đây là muốn nói với các quốc gia này [các nước phát triển] rằng, họ đang làm chúng tôi bực mình vì đã gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu … Alaska có thể sẽ tốt cho việc trồng trọt, Siberia có thể có nền nông nghiệp phát triển, nhưng Châu Phi sẽ còn lại được những gì ?”Tổng thống Uganda Yoweri Museveni phát biểu tại cuộc họp thượng đỉnh đoàn kết Châu Phi (tháng 2/2007, Addis Ababa, Ethiopia)
Riêng trong năm 1998, 300 triệu người (tức là 1/20 dân số thế giới) đã phải rời bỏ nơi trú ngụ của mình trong một tuần, một tháng, hay mãi mãi do hậu quả của thiên tai. Đây là con số kỷ lục từ trước đến nay. Nhưng trong tương lai, con số này sẽ bị vượt qua. Báo cáo của CNA tiết lộ: “Tình trạng căng thẳng sẽ xuất hiện một khi dòng di dân từ Châu Phi và Trung Đông – bị tác động bởi biến đổi khí hậu – sẽ gây sức ép thêm về kinh tế và xã hội cho các quốc gia ở Châu Âu. Một số đồng minh thân cận nhất của người Mỹ có thể bị bối rối vì cần phải bảo vệ biên giới của riêng họ. Những mối quan tâm nội bộ như thế có thể sẽ làm cho sự gắn kết quốc tế trở nên khó khăn, khiến giai đoạn chuẩn bị đối phó không còn ý nghĩa nữa … Châu Âu sẽ rất quan tâm đến đường biên giới của mình. Đây là một hiểm họa tiềm tàng làm gãy đổ mối quan hệ của chúng ta [người Mỹ] với các đồng minh Châu Âu”.
Nguồn lương thực thực phẩm, nước sạch và những dòng di dân – hậu quả của biến đổi khí hậu - chắc chắn sẽ đe dọa đến nền an ninh toàn cầu, gây ra xung đột và những cuộc chiến. Kinh nghiệm trong quá khứ đã cho thấy rất rõ điều đó, khi mà những làn sóng người chạy tị nạn Myanmar ở Thái Lan, Nicaragua ở Honduras, Palestine ở Lebanon, hay Somali ở Cộng hòa Congo và Macedonia, luôn là nguyên nhân gây ra các cuộc nội chiến nhỏ. Ngày 6/11/2007, Cục Môi trường Anh gần như đã công bố chiến tranh thế giới thứ ba khi mà vị điều hành Lady Young của cục này cảnh báo những cố gắng nhằm đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu của nước Anh cần phải được đặt trong tình trạng khẩn cấp của thời chiến.
Trước đó, chính sách kinh tế của người Mỹ cũng có những chuyển biến quá rõ ràng: chủ động đi từ đồng đô la – vàng (gắn với vàng, lấy vàng làm tiêu chí) trở thành đồng đô la – dầu mỏ (gắn với dầu, lấy dầu mỏ làm tiêu chí) để thao túng giá dầu. Chắc chắn Hoa Kỳ đang có những chính sách và chiến lược nhằm kiểm soát tình hình và thu lợi, khi mà người Nga gần đây đang tăng cường lực lượng phòng không ngoài khơi xứ Scotland và Na Uy, Trung Quốc đẩy mạnh tầm ảnh hưởng lên lục địa Châu Phi và vùng nam Á, Nhật Bản đành phải ký một số thỏa ước khai thác dầu khí ở biển Nhật Bản, nhưng đang tranh thủ trang bị vũ khí cao cấp cho hệ thống quốc phòng. Mọi sự thật quá rõ ràng đến không thể hơn trong lời phát biểu của Ngoại trưởng Anh Margaret Beckett gần đây: “Những xung đột về tài nguyên là không mới. Nhưng trong bối cảnh biến đổi khí hậu, người ta có thêm nhiều động cơ để tranh thủ mối hiểm họa”. Còn nhà phê bình xã hội James Howard Kunstler thì tưởng tượng: “Một cuộc thi thố về quân sự có liên quan đến dầu mỏ có thể bùng lên bất cứ lúc nào từ khu vực Trung Đông đến vùng Đông Nam Á. Những khối đá căng thẳng đang ngày càng được dồn lên cao và có khả năng sụp đổ một cách bi thảm. Tôi có thể thấy trong ánh mắt lạ lùng của những vị lãnh đạo cấp cao sự suy tính cho một cuộc chiến”.
Tình hình kinh doanh của thế giới cũng chuyển đổi theo những chiều hướng thích nghi với khí hậu chỉ để kiếm được nhiều tiền hơn. Những tập đoàn lớn mơ mộng: “Hỡi tất cả những khách hàng yêu dấu, làm thế nào chúng tôi có thể bán cho các vị nước sạch, không khí trong lành, và một chỗ khô ráo để mà ngồi ?”. Những dự báo kinh tế trong năm 2008 cho thấy những thương hiệu lớn đang đính kèm màu xanh lá cây vào sản phẩm của họ. Trong khi đó, một số quốc gia nghèo và đang phát triển vẫn ngây thơ khi tin vào chuyện kiếm tiền từ kế hoạch đánh thuế lên khí thải carbon của Ngân hàng Thế giới (WB).

Hành tinh Titanic

Hành tinh Titanic
Tác giả: Nguyễn Đạt Ân

Tàu Titanic đang chìm…
Khi lịch trình cắt giảm khí thải nhà kính trong Hội nghị biến đổi khí hậu toàn cầu của Liên Hiệp Quốc tại Bali (Indonesia) kết thúc bằng cách đình hoãn mọi quyết định khó khăn sang hai năm sau (tại thỏa thuận Copenhagen, 2009), người ta đang so sánh diễn biến kịch tính của số phận loài người trên hành tinh này nhìn từ boong tàu RMS Titanic (bị đắm năm 1912 do đụng phải băng trôi trên Đại Tây Dương).
“Câm miệng lại”
Đó là nguyên văn bức điện tín do thuyền trưởng tàu RMS Titanic John Smith trả lời một chiếc tàu gần đó mang tên SS California khi chiếc này chín lần cảnh báo có băng trôi vào ngày 8-4-1912. Sau đó ba ngày, RMS Titanic đã nằm dưới đáy đại dương. Sự tự tin quá mức này còn được “quảng cáo” thêm là Titanic “không thể chìm được về mặt kỹ thuật” (trên tuần báo nổi tiếng Shipbuilder của giới hàng hải Anh lúc bấy giờ).
Cũng thế, sau gần một thế kỷ, các “thần đồng” googler (cách gọi chuyên viên lập trình thuộc Google) đã hét vào mặt nhà báo phê bình xã hội James Howard Kunstler - tác giả cuốn sách bán chạy nhất Tình trạng khẩn cấp kéo dài (The Long emergency - 2005): “Đồ ngu, thật đúng như thế. Chúng ta còn có công nghệ và kỹ thuật mà!”, khi ông này được mời đến tổng hành dinh Google tại Mountain View để trình bày quan điểm cá nhân về tình trạng kiệt quệ nguồn tài nguyên năng lượng và cuộc khủng hoảng khí hậu.
Đúng là các chuyên gia tin học này không quan tâm đến sự khác biệt giữa năng lượng và công nghệ, bởi lẽ họ được đào tạo cho những dự án lập trình quảng cáo dựa trên ngôn ngữ website. Công nghệ là cứu cánh - điều này hiển nhiên đúng đối với những chuyên viên thiển cận suốt ngày vọc máy tính và bập bẹ thứ ngôn ngữ lập trình ảo trong những “nhà trẻ công nghệ phần mềm”.
Thật vậy, rất nhiều dịch vụ mà thiên nhiên đang phục vụ chúng ta - ví dụ như khả năng tái tạo khí oxy trên diện rộng nhờ phản ứng quang hợp đơn giản - khoa học và công nghệ không thể thay thế. Thế giới không đơn giản như thế, và cuộc khủng hoảng khí hậu diễn ra theo chiều hướng không ổn định và có những biến đổi bất ngờ. Các tác nhân khủng hoảng khí hậu có mối quan hệ liên lập, có diễn biến phi tuyến tính và gây ra hậu quả bất ngờ.
Cũng giống như tảng băng ở phía trước, những giới hạn lạnh lùng luôn luôn tồn tại đối với những kẻ không biết điều. Giá trị sống còn của trí thông minh chính là nó cho phép chúng ta hủy diệt một ý tưởng tồi tệ, trước khi ý tưởng đó hủy diệt chính chúng ta (theo Karl Popper). Trong lịch sử, đã nhiều lần con người sai lầm vì quá chủ quan, kiêu ngạo và đã trả giá khá đắt.
Khi tàu Titanic đụng phải tảng băng trôi, người ta còn bình thản sắp xếp ghế ngồi ngắm cảnh trên boong tàu, bận trò chuyện và uống rượu nơi các bar trong khoang hạng nhất. Sự thờ ơ với một thảm họa sẽ làm cho hậu quả của thảm họa đó càng trở nên khủng khiếp hơn.
Nhật báo New Statesmen của Anh gần đây ghi nhận: “Nước Anh giờ đây gia nhập vào hàng ngũ các quốc gia phải đối mặt với khí hậu khắc nghiệt”. Đồng thời, tờ báo tự hỏi liệu người Anh đã thấu hiểu thông điệp mà sự thay đổi khí hậu đã gửi cho họ ngay lúc này không, và câu trả lời đáng ghi nhận chính là: “Thống kê cho thấy công chúng vẫn có thái độ thờ ơ”.
Thời tiết hơi nóng một tí thì đã sao? Nước biển cao thêm vài centimet thì chẳng quan hệ gì. Đã thế, các dự án lấn biển và xây dựng các khu resort tại nhiều vùng duyên hải Thái Bình Dương vẫn tiếp tục được khởi công như không có chuyện gì xảy ra, trong khi Tổ chức Architecture 2030 (Mỹ) đã cảnh báo mực thủy triều dâng bằng một loạt bản đồ của 37 thành phố lớn trên toàn nước Mỹ (www.architecture 2030.org).
Thuyền cứu hộ
Trên chuyến tàu Titanic định mệnh, người ta chỉ trang bị 20 thuyền cứu hộ cho 2.201 hành khách. 1.490 người bị bỏ lại khi thảm họa xảy ra. Lý do để không mang theo thuyền cứu hộ chỉ đơn giản là chúng gây mất mỹ quan, chiếm diện tích và gây cảm giác lo lắng cho hành khách. Khi Công ty bảo hiểm Harland & Wolff cố gắng thuyết phục Hãng White Star Line - đơn vị chủ quản chiếc tàu - trang bị thêm nhiều phương tiện cứu hộ, họ chỉ nhận được câu trả lời bác bỏ bởi: “Ý kiến khách hàng luôn luôn đúng”.
Khẩu hiệu “Khách hàng là thượng đế” ngày nay cũng có một ý nghĩa tương tự, khi mà các thương hiệu và tập đoàn kinh tế lớn lãng phí nguồn tài nguyên tự nhiên để bằng mọi cách thỏa mãn thị hiếu tiêu dùng. Sự lãng phí dường như là một phong cách thời trang của các hãng lớn, khi mà vài ngày lại có một hãng điện thoại tuyên bố ra đời mẫu sản phẩm mới, vài tháng lại có một hãng xe tung ra đời xe hào nhoáng hơn.
Tạo ra cuộc đua tranh tiêu tiền và biến thói quen này trở thành vô ý thức chính là quán tính của một nền kinh tế, khiến nó không thể điều chỉnh hướng đi ngay lập tức để tránh tảng băng sắc lạnh đang chắn ngang đường. Mọi người trên tàu Titanic đã thấy tảng băng, nhưng không tránh kịp.
Khi thảm họa xảy ra, điều gì sẽ đến? Như sự kiện Titanic bị chìm, cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu sẽ diễn ra không theo qui luật của dân chủ. Phần lớn hành khách trong các khoang hạ cấp đều bị bỏ lại, kể cả phụ nữ và trẻ em. Bối cảnh Mỹ và Liên minh châu Âu “mặc cả” tại Bali với các quốc gia đang phát triển về mức cắt giảm khí thải nhà kính cũng giống như việc viên thuyền trưởng bước lên chiếc tàu cứu hộ tiện nghi của riêng ông ta, các thuyền viên phụ trách máy tàu có chiếc canô bơm hơi chật hẹp, còn châu Phi và các nước nghèo thì bị bỏ lại, không có lấy một mảnh áo phao.
“Sự bất công của toàn bộ tình huống thật sự rất lớn, nếu ta xem xét bên nào chịu trách nhiệm và bên nào phải gánh lấy hậu quả” - Rajendra K. Pachauri (chủ tịch IPCC) - nói. Kể từ năm 1990, lượng khí thải của châu Phi chỉ chiếm không quá 3% tổng lượng khí thải nhà kính toàn cầu, trong khi 840 triệu người sống ở đây sẽ gặp hiểm họa trực tiếp của hạn hán và thiếu nước trầm trọng. Nhiệt độ chắc chắn tăng thêm 2°C vào năm 2030, và sa mạc sẽ xâm lăng 600.000km2 đất trồng. Mực nước biển dâng cao sẽ đe dọa cơ sở hạ tầng vùng duyên hải Ai Cập, Senegal và vịnh Guinea, đẩy 2 triệu người vào cảnh nghèo khó.
Giờ đây, bản chất của cuộc khủng hoảng khí hậu không còn là vấn đề chính trị, kinh tế, khoa học hay an ninh. Đó là vấn đề đạo đức.

Vì một số phận chung!

Vì một số phận chung
Tác giả: Nguyễn Đạt Ân

“Chúng ta đang ở giữa một thời khắc quan trọng trong lịch sử Trái đất, khi mà loài người phải lựa chọn một tương lai cho chính mình. Khi thế giới ngày càng trở nên mỏng manh và phụ thuộc lẫn nhau, tương lai phía trước có cả những triển vọng và hiểm họa to lớn.
Để phát triển, cần thừa nhận rằng mặc dù có sự đa dạng văn hóa và nếp sống, chúng ta là một gia đình chung, một cộng đồng Trái đất cùng chia sẻ một số phận” (Trích Hiến chương Trái đất - Lời mở đầu).
Trong một thế giới phát triển quá mức (overdeveloped - thuật ngữ này được sử dụng đầu tiên bởi Raja Sohail Bashir, một doanh nhân Mỹ, dùng để chỉ những quốc gia có nền kinh tế phát triển chuyên phục vụ thói quen tiêu dùng lãng phí), con người cần phải biết dừng lại trước khi chạm phải những giới hạn lạnh lùng mà tự nhiên đã ấn định.
Không giống như những lời kêu gọi bảo vệ thiên nhiên và môi trường sống bình thường, Hiến chương Trái đất nhìn nhận vấn đề khủng hoảng khí hậu một cách toàn diện, nơi cách sống, thói quen tiêu dùng, thể chế chính trị, văn hóa xã hội, nền kinh tế và những giá trị tinh thần. Khí hậu biến đổi, nguồn tài nguyên bị cạn kiệt hay thiên nhiên gây thảm họa - tất cả chỉ là biểu hiện rõ nhất cho cái gọi là “trách nhiệm cộng đồng”.
Thật vậy, cuộc sống của con người không chỉ bị đe dọa bởi những thảm họa bên ngoài mà còn bị xuống cấp nghiêm trọng do sự tham lam, ích kỷ, thích hưởng thụ, và thái độ làm ngơ trước những tội ác đang diễn ra xung quanh. Loài người nên đặt lại hai câu hỏi mà họ đã tìm kiếm kể từ khi hiện diện trên hành tinh này trước khi quá muộn màng: “Hạnh phúc là gì?” và “Thế nào là tự do?”.
Hạnh phúc là gì?
“Khi những nhu cầu căn bản được đáp ứng, con người nên phát triển để mang “tính người” hơn, chứ không phải để sở hữu nhiều hơn”
Từ lâu, theo đuổi hạnh phúc đã là động lực chính yếu của các chỉ số tăng trưởng kinh tế (mặc dù đó là thứ hạnh phúc không bền vững). Và khái niệm căn bản của hạnh phúc chính là: người ta càng tiêu dùng nhiều bao nhiêu, họ càng cảm thấy hạnh phúc bấy nhiêu.
Công thức MORE = BETTER (nghĩa là “có nhiều hơn = sống hạnh phúc hơn”) gói gọn thứ triết lý kinh doanh của các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới. Thế mà cũng chính công thức đó được giới khoa học và chuyên gia kinh tế chứng minh là sai lầm.
Richard A. Easterlin - giáo sư Đại học Nam California - và nhà kinh tế học người Anh Richard Layard đã đề xuất tăng trưởng kinh tế không nhất thiết làm tăng mức độ hạnh phúc (hay sống tốt hơn). Thay vì thế, mối tương quan tỉ lệ thuận giữa mức thu nhập cao và cảm giác hạnh phúc chỉ dừng lại ở một giới hạn nhất định. Easterlin khẳng định: “Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra mối tương quan giữa tăng trưởng kinh tế và mức độ hạnh phúc chỉ có ý nghĩa khi thu nhập bình quân đầu người của một quốc gia nằm trong khoảng 10.000 USD/năm. Mức thu nhập trên 20.000 USD/năm chẳng làm tăng thêm hạnh phúc chút xíu nào”.
Hai nguyên nhân chính là: (1) tiền bạc thường gây hụt hẫng và (2) chúng ta thường cố theo đuổi những mức thu nhập cao hơn. Kết quả là người ta cứ tiếp tục ham muốn (có nhu cầu) nhiều hơn chỉ để duy trì mức độ hạnh phúc của họ. Đến độ việc làm giàu như một dạng “ô nhiễm”, cứ thế lan nhanh vì thói quen “chẳng vui gì khi biết người khác có thu nhập cao hơn mình”. Khi giàu có, khuynh hướng tiêu dùng quá nhiều và có quá nhiều lựa chọn để tiêu dùng khiến người ta bị “nghiện” mà cứ lầm tưởng mình rất hạnh phúc. Và khi một quốc gia bị nghiện thì đó là một thảm họa thật sự. Trong bài diễn văn liên bang vào ngày 31-1-2006, ông Bush lo sợ khi phải thú nhận: “Nước Mỹ nghiện dầu hỏa”. Trước đó, người Mỹ đã tấn công Iraq phần lớn vì cơn nghiện này.
Hạnh phúc không phải là sở hữu quá nhiều hay làm bất cứ điều gì ta muốn. Vì thế, cuộc hành trình tìm kiếm hạnh phúc dẫn đến việc cần phải định vị cho đúng khái niệm của tự do.
Vậy thế nào là tự do?
Tự do không có nghĩa muốn làm gì thì làm. Đó là sự ích kỷ. Và ích kỷ thường dẫn đến diệt vong, đơn giản vì đó là hành động chống lại thứ trật tự đã được tự nhiên yêu cầu cần phải tôn trọng.
Tự do chính là quá trình mưu cầu hạnh phúc trong trật tự - một trật tự có liên quan đến cộng đồng, xã hội, môi trường xung quanh - và đặc biệt, trật tự với chính bản thân cá nhân đó. Phá hủy trật tự này, con người phải trả giá khá đắt: kinh doanh quá mức - nhiệt độ tăng và băng tan; phá rừng - thảm họa lũ lụt, hạn hán; khai thác cạn kiệt tài nguyên - cuộc chiến tranh giành những mỏ dầu mới; thỏa mãn tình dục quá độ - phá thai, băng hoại giá trị gia đình và cộng đồng, các căn bệnh xã hội; quá giàu có - tự cao, xung đột giá trị, tự tử vì mất phương hướng sống.
Thói ích kỷ không tuân theo bất cứ khuôn mẫu chung nào của toàn thể cộng đồng sống xung quanh, cũng giống như một tế bào ung thư, phát triển cho riêng nó mà thôi, lây nhiễm và di căn, hủy hoại toàn bộ cơ thể của chính nó, và bị tiêu diệt.
Khi một nền văn minh chỉ phục vụ cho hạnh phúc cá nhân, đó là một nền văn minh của sự chết, theo cách gọi của cố giáo hoàng Jean Paul II. Vì thế, đã đến lúc cần phải đặt nhu cầu của tập thể lên trên nhu cầu của cá nhân, và đặt lợi ích của cá nhân xuống dưới lợi ích của tập thể, bởi vì con người chỉ có một Trái đất - là tổ ấm trú thân, và một cuộc đời - để tôn trọng sự sống trong tổ ấm đó.
Hơn thế nữa, cần đặt những lợi ích và nhu cầu này không chỉ trong thời khắc hiện tại, mà còn liên quan đến trách nhiệm với các thế hệ sau, như lời khẩn cầu của Peter Ainsworth - bộ trưởng về bảo vệ môi trường trước Quốc hội Anh khi thông qua đạo luật biến đổi khí hậu: “Chúng ta đang nói về chi phí đánh thuế lên khí thải carbon dựa trên cái giá mà chúng ta đang phải trả ngày hôm nay… Cái giá đó không hề tương xứng với cái giá mà con cháu chúng ta phải trả ngày mai”.

Môi trường và phát triển bền vững_cái giá phải trả là cần thiết!

Một bài báo khá hay, đại ý là các nước nên cân nhắc, xem xét lại chính sách phát triển dựa vào tài nguyên thiên nhiên!
Đỉnh điểm dầu mỏ
Có lẽ một ngày nào đó, các nhà sử học sẽ nhìn nhận lại cách thức mà các nền chính trị, kinh tế, truyền thông và thương mại hiện đại tạo ra một thể chế công nghiệp gây lãng phí môi trường tự nhiên và xã hội, để rồi gọi đó là sự tăng trưởng”
Đỉnh điểm dầu mỏ (hay cao điểm trữ lượng dầu thô - oil peak) là mức sản lượng khai thác dầu ở trạng thái bình ổn trước khi bắt đầu sút giảm do thiếu lượng giếng khoan mới để bù vào nhu cầu sử dụng năng lượng của thế giới. Sự suy giảm này đơn thuần là một qui luật tự nhiên, vì không còn nhiều dầu để mà khai thác nữa.
Tốc độ khám phá các giếng dầu mới trên thế giới đã bão hòa vào năm 1965 và sản lượng dầu đã vượt qua tốc độ này hằng năm kể từ giữa thập niên 1980. Các mỏ dầu có trữ lượng lớn cũng đã đạt mức đỉnh về sản lượng vào giữa thập niên 1960.
Vào ngày 19-10-2007 vừa qua, giá dầu đã có lúc đạt 90 USD/thùng, và việc giá dầu đạt 100 USD/thùng là điều có thể xảy ra trong tương lai gần.
GDP dựa trên nguồn năng lượng giá rẻ
Các chuyên gia kinh tế nói rằng không bao giờ có một bữa ăn miễn phí. Đó là sự thật. Vậy mà qua nhiều thập kỷ, loài người đã dùng bữa trên chiếc bàn Trái đất mà không phải tính tiền. Chúng ta nên sớm dự tính khi nào thì tờ hóa đơn sẽ được chìa ra.
Một trong những sai lầm của nền văn minh hiện đại chính là sự định giá quá thấp nguồn năng lượng do thiên nhiên mang lại, và đã đánh đổi những nguồn tài nguyên không thể tái tạo này để lấy mức tăng trưởng giả tạo và lệ thuộc.
Giá trị của nước máy có thể được nâng lên gấp 10.000 lần nhờ những nỗ lực “kinh doanh” của các tập đoàn đa quốc gia như Coca Cola và Pepsi, bằng cách đóng chai plastic và chuyên chở qua 9.000 dặm từ đảo Fiji về Mỹ để phục vụ những ai có tiền! Chắc chắn số nhiên liệu hóa thạch sử dụng lãng phí cho việc chuyên chở này không nhỏ chút nào.
Giờ đây, xu hướng trong tương lai đã quá rõ ràng. Các tiêu chuẩn sống, như sức khỏe, an ninh, nghề nghiệp, thực phẩm… đều phụ thuộc giá dầu, khiến con người sẽ có một tương lai hoàn toàn khác với những gì mà Friedman và nhiều người tưởng tượng trong “version” toàn cầu hóa 3.0! Cần phải cân nhắc xem liệu các nước phát triển sẽ thích nghi thế nào với một thế giới mà nguồn cung giá rẻ (nông sản, thực phẩm) từ các nước nghèo luôn bị gián đoạn do các quốc gia này đang phải vất vả chống đỡ cuộc khủng hoảng khí hậu. Cũng thế, với các nước đang phát triển, những cơ sở hạ tầng cho công nghệ sản xuất mà họ đang hăng hái và cần cù xây dựng sẽ không còn giá trị, vì xác suất đánh mất thị trường mục tiêu thuộc các quốc gia Bắc Bán cầu khá cao, một khi việc vận chuyển hàng hóa là “nhiệm vụ bất khả thi” do giá dầu tăng!
Sai lầm lớn nhất chính là hệ thống kinh tế hiện đại của chúng ta trong một thế giới phát triển quá mức đã được xây dựng như thể nguồn tài nguyên năng lượng không bao giờ cạn. Thế giới 3.0 đang bắt đầu bằng những cuộc chiến tranh giành thứ vàng đen quí hiếm, như trường hợp vừa qua của Iraq chẳng hạn, và sự phân hóa cục bộ xã hội loài người như những pháo đài thời Trung cổ với nguồn lương thực thực phẩm và năng lượng tự cung tự cấp. Sự tham lam của con người sẽ được trả giá bằng chính hành động chia rẽ của họ.
Hiện tại, giá thương mại của một thùng dầu thô khoảng hơn 85 USD. Nhưng đó có phải là giá trị chính xác của dầu thô? Marty Sereno, giáo sư Đại học California, đã tính toán như sau:
“Một thùng dầu thô chứa 42 gallon (gần 160 lít) dầu, có thể chiết xuất ra 20 gallon (75 lít) xăng. Mỗi gallon xăng hàm chứa 36 kilowatt giờ năng lượng hóa học. Trong khi đó, một sức ngựa tương đương với 3/4 kilowatt, và sức hoạt động liên tục của con người chỉ bằng từ 1/10 đến 1/5 kilowatt. Vì thế, 20 gallon xăng từ một thùng dầu thô sẽ hàm chứa 180 kilowatt giờ. Nếu chia mức năng lượng trên cho 1/8 kilowatt - dựa trên hiệu năng làm việc liên tục của một người - thì chúng ta sẽ có được 1.440 giờ làm việc nghiêm túc. Giả sử con người đó phải làm việc 6 giờ/ngày, thì chúng ta cần 240 ngày để đạt được hiệu năng của 180 kilowatt giờ, tương đương với chế độ làm việc năm ngày một tuần trong suốt một năm. Tóm lại, một thùng dầu thô = một năm lao động thật nghiêm túc của một cá nhân. Theo luật ở Mỹ, một năm lao động như thế phải được trả ít nhất 10.000 USD”.
Lược trích từ:
Còn đây là ý kiến của ta:
Đỡ phải sửa "bê nguyên xi" về vậy:
Mình rất ấn tượng với nội dung mà bạn đề cập!
MÌnh cũng là một người nghiên cứu về toàn cầu hóa - để tìm kiếm cơ hội từ nó!Nhưng có lẽ - rất ít khi - mình đề cao việc “phát triển bền vững” (riêng về vấn đề môi trường) trong các dự án mình xây dựng!Có lẽ, mình sẽ phải cân nhắc nhiều hơn về vấn đề này trong tương lai!!
Bạn quan tâm đến môi trường, và dễ dàng - bạn có thể chỉ ra rất nhiều những hậu quả mà việc chạy theo các chỉ số phát triển dựa vào tài nguyên thiên nhiên - là không bền vững, là sẽ để lại hệ quả đau đớn cho tương lai!
Điều đó đúng - nhưng chỉ là một phần của sự thật!
Chắc chẩng ai trong số chúng ta - muốn “cắt đi” những phần của cải to lớn, mà phải mất hàng triệu năm mới hình thành được ở bất kì nơi nào trên thế giới! Nhưng vì nhiều lý do - chúng ta đã - đang và sẽ tiếp tục làm điều đó!
Cái chúng ta lên bàn luận - là cách làm như thế nào, và một kế hoạch, kế hoạch thay thế khi những nguồn năng lượng tự nhiên cạn kiệt!
Phân tích mặt trái - có thể bạn đã quá rõ - vậy thì mình sẽ góp một tiếng nói - bào chữa cho những gì đang diễn ra!
Chúng ta không cần phân tích xa xôi - xem việc tăng giá nguyên liệu thô, sẽ ảnh hưởng thế nào đến nền kinh tế TG! Mà chúng ta hãy nhìn vào VN, vào một mặt hàng nguyên liệu xuất khẩu chủ lực của chúng ta “Than đá”!
Có thể nhiều người không quan tâm - nhưng giá than bán trong nước hiện này chỉ = 80-85% giá xuất khẩu - đó là một quy định hành chính, để hỗ trợ việc sản xuất trong nước, vì dù sao đó cũng là “của nhà làm ra”!
Không ai để ý - cho đến gần đây - các bác ở tập đoàn than & khoáng sản VN đề xuất tăng giá tại thị trường VN = giá thế giới! Và ngay lập tức - người ta đã đo lường được tác động của nó!
Các ngành chịu tác động mạnh nhất(không kể đến người dân), đó là: Nhiệt điện, Hóa Chất, và Phân bón!Ở đây mình không có con số - nhưng VN ta thiếu điện - và việc đầu tư cho thủy điện là rất tốn kém và cần thời gian, vì thế, nhiệt điện đang góp phần không nhỏ vào “an ninh năng lượng” của VN.
Ngành hóa chất, ảnh hưởng cũng không dễ đo lường, nhưng riêng ngành phân bón, các quan chức ngành này - hết sức bi quan… Bi quan vì tình hình hiện tại - phân bón liên tục tăng, nông dân đã “kêu thấu trời xanh”.. vậy mà các bác ý bảo là nếu tăng giá than như thế - phân bón bình quân tăng 30-50%!
Chào thua!!Có lẽ lúc ấy - người VN sẽ xài đồ nông nghiệp của thái lan - hay TQ! Và ảnh hưởng của nó sẽ là trực tiếp tới khoảng 2/3 dân số nước ta!
Vậy thì không có gì là khó hiểu - khi người ta đễ xuất một việc ngược lại, thay vì tăng - có lẽ ta lên “giảm giá”!!!Và đó là trong bối cảnh trữ lượng than đang sụt giảm thê thảm!!
Đó có thể là một phần lý do các nước vẫn “phải” dựa vào nguyên liệu thô - nhất là các nước đang phát triển!
Nhưng thuyết sách đó - đúng hay sai còn tùy thuộc vào cách hành động của mỗi quốc gia!
Người nhật - từ xuất khẩu kim loại quý (chủ yếu là vàng, rồi đến kỹ nghệ, sau đó là cả con người, đã “ngoi lên” vị trí thứ nhì trong nền kt TG.
Nước Hàn Quốc, tài nguyên thô đầu tiên họ xuất khẩu lại chính là công nhân, kỹ sư, bác sỹ - trong thời kì đầu sau chiến tranh đầy gian khổ!
Thứ họ thế chấp để vay tiền từ Mỹ - chính là tiền lương của những con người HQ đang ngày đêm làm việc trong những ngôi mỏ cũ nát, những công trường nguy hiểm tại nước ngoài(rất nhiều ở Đức)@!
Nước Mỹ, thứ họ xuất khẩu, đặc biệt nhất, lại là sự bảo vệ, sự ổn định, tiềm lực và tài lực hay thậm chỉ cả chính sách - để có thể phát triển!
Người mỹ đã “đóng gói xuất khẩu” nhiều thứ - trong đó có cả quan điểm, có cả triết lý của mình!Như vậy cái thứ gọi là “nguyên liệu thô” ở đây - phải tính cả con người (chả trách có nước chuyên lập đội lính đánh thuê)!
Vậy thì so với những nguyên liệu thô kia - liệu con người có giá trị “gấp bao nhiêu lần”??
Ta không thể so sánh!
Và xin được xin lỗi - các vị giáo sư khả kính! Quan điểm ngô nghê của các bác - cháu xin tiếp thu - nhưng mà các bác nên hiểu - các bác mà đánh giá kiểu ấy - hóa gia một con ngựa - đáng giá (về mặt lao động) bằng vài chục con người à?
Các bác quên đi (hay cố tình quên đi) cái gọi là “hàm lượng chất sám” trong mỗi sản phẩm mà con người làm ra? Nó - đáng giá bằng hàng tỷ lần mấy cái nguyên liệu thô của các bác!
Không có nguyên liệu thô của ta - chắc không đến nỗi quá khó để chuyển sang điện hạt nhân - siêu rẻ(nhưng hơi “bẩn”). Còn nếu không xuất khẩu nguyên liệu thô - thì rất nhiều nước - sẽ đi vào ngõ cụt trong con đường phát triển!!
Và thứ mà tôi tâm đắc trong “toàn cầu hóa”! Đó là “một cơ hội” - một cơ hội để từ vị thế một kẻ bán đi tài nguyên đất nước chỉ để “tồn tại”, chúng ta có cơ hội để phát triển, để bình đẳng, đó không chỉ là một quan điểm về “thế giới phẳng” mà đó còn là một “giấc mơ”, một giấc mơ của hàng tỷ những con người nghèo khó, những đất nước nghèo khó!!
Ngày mai, có thể tôi vẫn sẽ bán nguyên liệu với giá cứ coi là rẻ mạt đi! Nhưng nếu nguồn nguyên liệu đó, để - không chỉ nuôi sống cái dạ dày của đất nước tôi, mà còn để nuôi sống các phòng thí nghiệm,nuôi sống các trường đại học, nuôi sống sinh viên, nuôi sống kỹ sư, nuôi sống các nhà khoa học của tôi - vì một ngày kia - tôi sẽ không phải tiếp tục làm điều mà hôm nay và ngày mai tôi vẫn “phải làm”!
Và vì thế, tôi vẫn “khuyến khích” nếu người dân của tôi dấn thân vào chỗ nguy hiểm, chỗ độc hại - chỉ để kiếm một thứ - mà biết bao kẻ coi là tầm thường - tiền bạc! Nhưng tôi - hơn ai hết, sẽ Sử dụng những đồng tiền “mồ hôi - máu thịt” của đồng bào ấy một cách khôn ngoan nhất, để ngày mai - con cháu họ không phải bước tiếp những bước đi khó nhọc của cha ông - mà có một con đường, một cơ hội - trải thảm đỏ - để họ có thể khẳng định mình với thế giới!!!
Bản thân tôi - cũng từng có thể coi là một người hoạt động vì môi trường - suốt một thời gian! Nhưng sau đó - tôi hiểu ra rằng - gốc rễ của vấn để là ở - thứ khác!Và tôi đi giải quyết nó!