Thứ Năm, 24 tháng 1, 2008

Hành tinh Titanic

Hành tinh Titanic
Tác giả: Nguyễn Đạt Ân

Tàu Titanic đang chìm…
Khi lịch trình cắt giảm khí thải nhà kính trong Hội nghị biến đổi khí hậu toàn cầu của Liên Hiệp Quốc tại Bali (Indonesia) kết thúc bằng cách đình hoãn mọi quyết định khó khăn sang hai năm sau (tại thỏa thuận Copenhagen, 2009), người ta đang so sánh diễn biến kịch tính của số phận loài người trên hành tinh này nhìn từ boong tàu RMS Titanic (bị đắm năm 1912 do đụng phải băng trôi trên Đại Tây Dương).
“Câm miệng lại”
Đó là nguyên văn bức điện tín do thuyền trưởng tàu RMS Titanic John Smith trả lời một chiếc tàu gần đó mang tên SS California khi chiếc này chín lần cảnh báo có băng trôi vào ngày 8-4-1912. Sau đó ba ngày, RMS Titanic đã nằm dưới đáy đại dương. Sự tự tin quá mức này còn được “quảng cáo” thêm là Titanic “không thể chìm được về mặt kỹ thuật” (trên tuần báo nổi tiếng Shipbuilder của giới hàng hải Anh lúc bấy giờ).
Cũng thế, sau gần một thế kỷ, các “thần đồng” googler (cách gọi chuyên viên lập trình thuộc Google) đã hét vào mặt nhà báo phê bình xã hội James Howard Kunstler - tác giả cuốn sách bán chạy nhất Tình trạng khẩn cấp kéo dài (The Long emergency - 2005): “Đồ ngu, thật đúng như thế. Chúng ta còn có công nghệ và kỹ thuật mà!”, khi ông này được mời đến tổng hành dinh Google tại Mountain View để trình bày quan điểm cá nhân về tình trạng kiệt quệ nguồn tài nguyên năng lượng và cuộc khủng hoảng khí hậu.
Đúng là các chuyên gia tin học này không quan tâm đến sự khác biệt giữa năng lượng và công nghệ, bởi lẽ họ được đào tạo cho những dự án lập trình quảng cáo dựa trên ngôn ngữ website. Công nghệ là cứu cánh - điều này hiển nhiên đúng đối với những chuyên viên thiển cận suốt ngày vọc máy tính và bập bẹ thứ ngôn ngữ lập trình ảo trong những “nhà trẻ công nghệ phần mềm”.
Thật vậy, rất nhiều dịch vụ mà thiên nhiên đang phục vụ chúng ta - ví dụ như khả năng tái tạo khí oxy trên diện rộng nhờ phản ứng quang hợp đơn giản - khoa học và công nghệ không thể thay thế. Thế giới không đơn giản như thế, và cuộc khủng hoảng khí hậu diễn ra theo chiều hướng không ổn định và có những biến đổi bất ngờ. Các tác nhân khủng hoảng khí hậu có mối quan hệ liên lập, có diễn biến phi tuyến tính và gây ra hậu quả bất ngờ.
Cũng giống như tảng băng ở phía trước, những giới hạn lạnh lùng luôn luôn tồn tại đối với những kẻ không biết điều. Giá trị sống còn của trí thông minh chính là nó cho phép chúng ta hủy diệt một ý tưởng tồi tệ, trước khi ý tưởng đó hủy diệt chính chúng ta (theo Karl Popper). Trong lịch sử, đã nhiều lần con người sai lầm vì quá chủ quan, kiêu ngạo và đã trả giá khá đắt.
Khi tàu Titanic đụng phải tảng băng trôi, người ta còn bình thản sắp xếp ghế ngồi ngắm cảnh trên boong tàu, bận trò chuyện và uống rượu nơi các bar trong khoang hạng nhất. Sự thờ ơ với một thảm họa sẽ làm cho hậu quả của thảm họa đó càng trở nên khủng khiếp hơn.
Nhật báo New Statesmen của Anh gần đây ghi nhận: “Nước Anh giờ đây gia nhập vào hàng ngũ các quốc gia phải đối mặt với khí hậu khắc nghiệt”. Đồng thời, tờ báo tự hỏi liệu người Anh đã thấu hiểu thông điệp mà sự thay đổi khí hậu đã gửi cho họ ngay lúc này không, và câu trả lời đáng ghi nhận chính là: “Thống kê cho thấy công chúng vẫn có thái độ thờ ơ”.
Thời tiết hơi nóng một tí thì đã sao? Nước biển cao thêm vài centimet thì chẳng quan hệ gì. Đã thế, các dự án lấn biển và xây dựng các khu resort tại nhiều vùng duyên hải Thái Bình Dương vẫn tiếp tục được khởi công như không có chuyện gì xảy ra, trong khi Tổ chức Architecture 2030 (Mỹ) đã cảnh báo mực thủy triều dâng bằng một loạt bản đồ của 37 thành phố lớn trên toàn nước Mỹ (www.architecture 2030.org).
Thuyền cứu hộ
Trên chuyến tàu Titanic định mệnh, người ta chỉ trang bị 20 thuyền cứu hộ cho 2.201 hành khách. 1.490 người bị bỏ lại khi thảm họa xảy ra. Lý do để không mang theo thuyền cứu hộ chỉ đơn giản là chúng gây mất mỹ quan, chiếm diện tích và gây cảm giác lo lắng cho hành khách. Khi Công ty bảo hiểm Harland & Wolff cố gắng thuyết phục Hãng White Star Line - đơn vị chủ quản chiếc tàu - trang bị thêm nhiều phương tiện cứu hộ, họ chỉ nhận được câu trả lời bác bỏ bởi: “Ý kiến khách hàng luôn luôn đúng”.
Khẩu hiệu “Khách hàng là thượng đế” ngày nay cũng có một ý nghĩa tương tự, khi mà các thương hiệu và tập đoàn kinh tế lớn lãng phí nguồn tài nguyên tự nhiên để bằng mọi cách thỏa mãn thị hiếu tiêu dùng. Sự lãng phí dường như là một phong cách thời trang của các hãng lớn, khi mà vài ngày lại có một hãng điện thoại tuyên bố ra đời mẫu sản phẩm mới, vài tháng lại có một hãng xe tung ra đời xe hào nhoáng hơn.
Tạo ra cuộc đua tranh tiêu tiền và biến thói quen này trở thành vô ý thức chính là quán tính của một nền kinh tế, khiến nó không thể điều chỉnh hướng đi ngay lập tức để tránh tảng băng sắc lạnh đang chắn ngang đường. Mọi người trên tàu Titanic đã thấy tảng băng, nhưng không tránh kịp.
Khi thảm họa xảy ra, điều gì sẽ đến? Như sự kiện Titanic bị chìm, cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu sẽ diễn ra không theo qui luật của dân chủ. Phần lớn hành khách trong các khoang hạ cấp đều bị bỏ lại, kể cả phụ nữ và trẻ em. Bối cảnh Mỹ và Liên minh châu Âu “mặc cả” tại Bali với các quốc gia đang phát triển về mức cắt giảm khí thải nhà kính cũng giống như việc viên thuyền trưởng bước lên chiếc tàu cứu hộ tiện nghi của riêng ông ta, các thuyền viên phụ trách máy tàu có chiếc canô bơm hơi chật hẹp, còn châu Phi và các nước nghèo thì bị bỏ lại, không có lấy một mảnh áo phao.
“Sự bất công của toàn bộ tình huống thật sự rất lớn, nếu ta xem xét bên nào chịu trách nhiệm và bên nào phải gánh lấy hậu quả” - Rajendra K. Pachauri (chủ tịch IPCC) - nói. Kể từ năm 1990, lượng khí thải của châu Phi chỉ chiếm không quá 3% tổng lượng khí thải nhà kính toàn cầu, trong khi 840 triệu người sống ở đây sẽ gặp hiểm họa trực tiếp của hạn hán và thiếu nước trầm trọng. Nhiệt độ chắc chắn tăng thêm 2°C vào năm 2030, và sa mạc sẽ xâm lăng 600.000km2 đất trồng. Mực nước biển dâng cao sẽ đe dọa cơ sở hạ tầng vùng duyên hải Ai Cập, Senegal và vịnh Guinea, đẩy 2 triệu người vào cảnh nghèo khó.
Giờ đây, bản chất của cuộc khủng hoảng khí hậu không còn là vấn đề chính trị, kinh tế, khoa học hay an ninh. Đó là vấn đề đạo đức.

Không có nhận xét nào: