Thứ Hai, 25 tháng 2, 2008




Sự đạo đức giả trong tài chính

Thế giới đang phải đối mặt với một giai đoạn bất ổn về tài chính, đặc biệt là sự suy thoái của nền kinh tế Mỹ. Giáo sư Joseph E. Stiglitz - người từng đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2001 - cho rằng: một nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng trên chính là kiến trúc tài chính toàn cầu vẫn chưa hề có sự cải cách nào về mặt nền tảng trong suốt 10 năm qua (kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997). Lanhdao.net xin giới thiệu bài viết của Giáo sư Joseph E. Stiglitz. Toàn bộ quan điểm trong bài là của tác giả.

Giáo sư Joseph E. Stiglitz phát biểu trong một cuộc họp báo tại Hà Nội vào ngày 27/11/2004, một phần trong chuyến thăm 10 ngày tại Việt Nam để gặp gỡ các quan chức chính phủ, các nhà nghiên cứu, các nhà tài trợ nước ngoài và có các buổi diễn thuyết trước công chúng. Ảnh: Corbis
Năm 2007 đánh dấu 10 năm cuộc khủng hoảng Đông Á, bắt đầu từ Thái Lan vào ngày 2/7/1997, lan rộng sang Indonesia vào tháng 10 và sang Hàn Quốc vào tháng 12. Rốt cuộc, nó trở thành một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, kéo thêm cả Nga và các nước Mỹ Latinh như Brazil, và nhiều nước khác phải mệt mỏi trong nhiều năm tiếp theo: Argentina năm 2001 có thể được kể đến như là một trong các nạn nhân của nó.
Đã có rất nhiều các nạn nhân vô tội khác, bao gồm cả các quốc gia thậm chí không tham gia vào các dòng vốn quốc tế nhưng vẫn bị chìm sâu vào khủng hoảng. Thực tế, Lào cũng nằm trong số những quốc gia bị ảnh hưởng tồi tệ nhất. Mặc dù cuối cùng thì cuộc khủng hoảng nào cũng kết thúc, nhưng lúc đó không ai biết được các kỳ suy thoái và trì trệ tiếp theo sẽ còn sâu rộng và kéo dài bao lâu. Đó là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ sau cuộc Đại suy thoái.
Là Giám đốc kinh tế và Phó Chủ tịch cấp cao của Ngân hàng Thế giới, tôi đã đứng giữa sự xung đột và các cuộc tranh luận về nguyên nhân và những cách ứng phó về mặt chính sách sao cho phù hợp. Mùa hè và mùa thu năm 2007, tôi đã đi thăm lại các quốc gia bị ảnh hưởng, gồm Malaysia, Lào, Thái Lan và Indonesia. Thật ấm lòng khi chứng kiến sự phục hồi của họ. Các nước này giờ đang tăng trưởng với tốc độ 5% hoặc 6% hoặc hơn thế - không được nhanh như trong những ngày thần kỳ Đông Á, nhưng nhanh hơn rất nhiều so với những gì mà mọi người có thể tưởng sau khi khủng hoảng xảy ra.
Nhiều nước đã thay đổi chính sách của mình, nhưng rõ ràng là theo những hướng khác biệt so với những cải tổ mà IMF yêu cầu. Người nghèo nằm trong số những người phải chịu gánh nặng nhất của cuộc khủng hoảng, khi mà tiền lương tụt hẳn xuống còn tỉ lệ thất nghiệp lại vọt lên. Khi các nước này phục hồi, nhiều nước đã tập trung nhấn mạnh vào "tính hài hòa", trong một nỗ lực khắc phục khoảng cách ngày càng tăng giữa người giàu và người nghèo, giữa nông thôn và thành thị. Họ coi trọng hơn việc đầu tư vào con người, khởi động các sáng kiến để nhiều công dân có thể được chăm sóc sức khỏe và tiếp cận tài chính hơn, và tạo nên các quỹ xã hội để giúp phát triển các cộng đồng địa phương.
Nhìn lại cuộc khủng hoảng sau một thập kỷ, chúng ta có thể nhìn thấy rất rõ ràng IMF và Bộ Tài chính của Mỹ đã chuẩn đoán, kê đơn và tiên lượng sai lầm như thế nào. Vấn đề cơ bản chính là sự tự do hóa thị trường vốn còn non nớt. Bởi vậy, thật là mỉa mai khi nhìn thấy Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ một lần nữa lại thúc đẩy việc tự do hóa thị trường vốn tại Ấn Độ - một trong hai nước lớn đang phát triển (cùng với Trung Quốc) nổi lên mà không bị tổn hại từ cuộc khủng hoảng năm 1997.
Không phải ngẫu nhiên mà các quốc gia không tự do hóa hoàn toàn các thị trường vốn lại có thể vận hành rất tốt. Nghiên cứu sau đó do IMF tiến hành đã xác minh được điều mà bất kỳ nghiên cứu nghiêm túc nào cũng thấy: tự do hóa thị trường vốn đem lại sự bất ổn, nhưng không tất yếu tăng trưởng. (Cũng trong nghiên cứu tương tự cho thấy: Ấn Độ và Trung Quốc đã trở thành những nền kinh tế phát triển nhanh nhất)
Tất nhiên, Phố Wall (nơi các lợi nhuận của nó là hiện thân cho Bộ Tài chính Mỹ) thu lợi từ việc tự do hóa thị trường vốn: họ kiếm tiền khi các dòng vốn chảy vào, khi các dòng vốn chảy ra, và trong việc tái cơ cấu do hậu quả của sự tàn phá. Tại Hàn Quốc, IMF thúc giục bán các ngân hàng của nước này cho các nhà đầu tư Mỹ, ngay cả khi người Hàn Quốc đã điều hành nền kinh tế của chính họ một cách ấn tượng trong suốt bốn thập kỷ, với tốc độ tăng trưởng cao hơn, bền vững hơn, và không hề có các bê bối do cơ chế vẫn xuất hiện thường xuyên trong các thị trường tài chính của Mỹ.
Trong nhiều trường hợp, các công ty của Mỹ đã mua các ngân hàng, nắm giữ các ngân hàng đó cho tới khi Hàn Quốc phục hồi, và sau đó bán lại chúng, thu về hàng tỉ tiền lãi. Trong khi vội vã để các phương Tây mua các ngân hàng, IMF đã bỏ quên một chi tiết: phải đảm bảo rằng Hàn Quốc có thể giữ lại được ít nhất một phần nhỏ của số lãi kia thông qua hệ thống thuế. Việc các nhà đầu tư Mỹ có sự tinh thông hơn trong lĩnh vực ngân hàng tại các thị trường mới nổi hay không có thể vẫn còn phải bàn cãi, nhưng việc họ có sự tinh thông hơn trong việc tránh thuế thì không cần thắc mắc.
Sự mâu thuẫn giữa lời khuyên của IMF/ Bộ tài chính Mỹ với Đông Á và những gì đã xảy ra trong thất bại cho vay tín dụng là hiển nhiên. Các nước Đông Á đã được yêu cầu nâng cao lãi suất, trong một số trường hợp tăng tới 25%, 40% hoặc cao hơn, gây nên sự vỡ nợ trên diện rộng. Trong cuộc khủng hoảng hiện nay, Cục dự trữ liên bang Mỹ và Ngân hàng trung ương châu Âu lại cắt giảm lãi suất.
Tương tự như vậy, các quốc gia bị mắc vào cuộc khủng hoảng tại Đông Á được nghe diễn thuyết về nhu cầu minh bạch hơn nữa và điều chỉnh tốt hơn nữa. Nhưng việc thiếu minh bạch lại đóng một vai trò trung tâm trong việc gặm nhấm tín dụng hồi mùa hè năm 2006, các khoản thế chấp bị sắt lát và thái nhỏ, rải ra khắp thế giới, đóng gói cùng với các sản phẩm tốt hơn, và giấu nhẹm đi như đồ ký quỹ, do đó chẳng ai biết rõ là người nào đang cầm trong tay cái gì. Và giờ đây lại có một màn hợp xướng cảnh báo về những sự điều chỉnh mới - những thứ được cho là cản trở thị trường tài chính (bao gồm cả sự khai thác từ chính những người vay tiền ngờ nghệch của họ - điều nằm trong gốc rễ của vấn đề). Cuối cùng, bất chấp mọi lời cảnh báo về xuống cấp đạo đức, các ngân hàng phương Tây vẫn phần nào được "tại ngoại" khỏi những vụ đầu tư xấu của họ.
Sau cuộc khủng hoảng năm 1997, có một sự nhất trí rằng cần có sự cải cách căn bản đối với kiến trúc tài chính toàn cầu. Nhưng, trong khi hệ thống hiện hành có thể dẫn tới sự bất ổn không cần thiết và áp đặt các mức chi phí khổng lồ lên các nước đang phát triển, nó vẫn tạo ra lợi nhuận đáng kể. Thế nên không có gì ngạc nhiên nếu sau 10 năm nữa vẫn không có một cải cách căn bản nào. Và vì thế, cũng không ngạc nhiên rằng thế giới một lần nữa lại phải đối mặt với một giai đoạn bất ổn tài chính toàn cầu, với những hậu quả còn chưa rõ ràng cho các nền kinh tế trên thế giới.
Joseph E. Stiglitz Theo Project - Syndicate Thu Lượng dịch
* Joseph E. Stiglitz - người từng giành giải Nobel Kinh tế năm 2001, Giáo sư Kinh tế thuộc Đại học Columbia (Mỹ), từng giữ chức Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế của cựu Tổng thống Bill Clinton, Giám đốc Kinh tế và Phó Chủ tịch cấp cao của Ngân hàng Thế giới.


Bình loạn tí chơi!!


Một bài báo rất tuyệt! Tuyệt vời bởi thời điểm nó được đăng và cả vấn đề mà nó "bàn luận" : CƠ CẤU TÀI CHÍNH TOÀN CẦU!
Nó đã từng là chủ đề "nóng bỏng" cách đây 10 năm, nhưng hôm nay, trên đất nước này, có lẽ chúng ta cần phân tích một cách "nghiêm túc" và "chín chắn" như một người trong cuộc - bởi vị trí của chúng ta đã khác nhiều so với 10 năm trước!
Có nhiều nhà phân tích, chỉ trước đây vài năm, nhân định về tình hình kt tg "trời nhiều mây, và có thể xảy ra bão" - thì thời điểm hiện tại có lẽ cơn bão đã "thành hình" - vấn đề là ở chỗ - cơn bão ấy sẽ quét qua những đâu, và để lại hậu quả như thế nào? Và một nhà khí tượng, thì hiểu răng, cơn bão ấy sẽ mạnh nên hay yếu đi, tùy thuộc vào "thời tiết" của những khu vực nó đi qua...
Vâng! Tôi đang nói đến một "cơn bão tài chính" đang hiển hiện!!... Có lẽ cách phân tích tốt nhất, là ta nên làm một phép so sánh, hiện tại - và quá khứ (cách đây 10 năm) để có thể rút ra kết luận, đồng tình - hay phản đối với những phân tích của Giáo sư Joseph E. Stiglitz ở trên!!..
Năm 97, có nhiều nền kinh tế, được coi là "nạn nhân" của cuộc khủng hoảng TC, nhưng, không giống GS nói, nhưng nền kinh tế đó - "Không vô tội"! Người ta thích (và dễ dàng hơn) nếu đổ tội cho IMF, cho Mỹ về những thảm họa mà họ phải gánh chịu - họ tìm kiếm một "kẻ tội đồ" để đổ vấy mọi trách nhiệm, để chứng minh, họ hoàn toàn trong sạch, thánh thiện, vô tội và đáng thương! Họ cần một ai đó chịu trách nhiệm trước người dân của họ, và còn ai dễ hơn là đổ tội cho IMF.
IMF đã có những đánh giá "tệ hại" ngay trước khủng hoảng về chỉ số tài chính của các con hổ Đông Á - tuy nhiên chính sách của họ áp dụng tại đây, thì chưa hẳn đã "hoàn toàn sai" hay không mang lại hiệu quả!
Liệu có ai đó chấp nhận rằng, cái sai lớn hơn nhiều, cái sai trực tiếp dẫn đến khủng hoảng là cách những con rồng, con hổ Đông Á xử dụng nguồn tài chính đầu tư vào nước họ?? IMF không bảo các tổ chức tín dụng dùng vốn ngắn hạn để cho vay dài hạn, không bảo họ bơm tiền "mù quáng" vào cái bong bóng chứng khoán, bong bóng bds, càng không bắt buộc các nước cố định tỉ giá gắn chặt vào đồng $ - họ làm thế - là vị những mục đích của riêng họ.
Chính phủ sở tại muốn có những chỉ số "ấn tượng - đẹp mắt", cố định tỷ giá để người ta "bơm" thêm tiền cho họ, "mắt nhắm - mắt mở" bảo lãnh cho ngân hàng, cho doanh nghiệp quốc doanh, chẳng hề có động thái, thậm chí "vui sướng" khi người dân - "điên cuồng" lao vào những trái bong bóng phình to chưa từng thấy trong lịch sử!!...
Cuối cùng, người ta "chửi rủa" giới đầu tư(cả đầu cơ) là những con "quỷ hút máu" khi tấn công đồng nội tệ của họ, siết nợ ngân hàng của họ, bóp chết nền tài chính của họ, rồi cuối cùng - thu mua những "mảnh vỡ" đầy "béo bở" của đống đổ nát ấy... sau vài năm - bán lại với số lợi nhuận hàng tỷ $.
Vâng! Người ta chỉ nhìn thấy như thế - những kẻ xấu xa! vô lương tâm. Nhưng mà họ hãy khách quan mà nhìn nhận - kẻ nào đã khơi mào cho cuộc tấn công ấy?
Không phải là giới đầu cơ trong nước sao?
Và rút cục thì ai đã tạo điều kiện cho họ làm việc ấy?
Không phải là sự "tham lam + ngu ngốc + mù quáng" của rất nhiều người - thậm chí của cả chính phủ hay sao?
Đằng sau hàng tỷ đô lợi nhuận - là muôn vàn rủi ro, là suy tính, cân nhắc và cao hơn - là trí tuệ! Ở đây - không phải là vấn đề đạo đức - mà họ chỉ "nương theo" quy luật : QUY LUẬT NHÂN QUẢ! ..
Quay trở lại câu chuyện về IMF, người ta trách móc, căm phẫn khi IMF không có những động thái mạnh mẽ hơn để "cứu vớt" Đông Á, cứu vớt Ashentina, Nga hay Mỹ la tinh - những người vẫn tự nhận - là luôn làm theo những tư vấn từ IMF. Để đến nỗi Đông Á tan hoang, Mỹ la tinh suy sụp, Ashentina phá sản, Nga "quỵt tiền" của nhà đầu tư - đến nỗi cả những quỹ lớn nhất của Mỹ như Long-Term Capital của đứng trước bờ vực phá sản - Chính phủ Mỹ phải điều đình với giới tài chính để tránh một cuộc sụp đổ tàn khốc cho những doanh nghiệp mà nó đang nắm giữ cổ phiếu!...
Vâng - IMF hay nước Mỹ - họ cũng cần giữ "cái đầu" của mình trước, $ đâu phải được in vô tội vạ? $ chảy từ nước Mỹ hay từ IMF - chính là mạch máu liên quan đến thịnh - suy của chính nước Mỹ - vì lý do gì - "máu" phải đổ vào để chữa cháy cho sự tham lam tại Đông Á, sự trì trệ & kém hiệu quả của nước Nga?...
Còn cái động thái - mà IMF khuyên các nước tăng lãi suất - trong khi hiện tại Mỹ và Châu Âu đang làm ngược lại - thì "hoàn toàn có thể hiểu được"!
Vị thế của các con rồng - hổ Đông Á khác với Mỹ hay EU. tăng lãi suất là để chặn đứng cái bơm đang bơm hơi vào bong bóng, chặn đứng (nói đúng hơn là đặt những kẻ tấn công vào đồng nội tệ trước một quyết định hết sức khó khăn, nếu tấn công thất bại, tỷ giá không đổi - giới đầu cơ sẽ đứng trước sự thua lỗ thảm hại khi phải trả lãi suất cao vì để tấn công vào nội tệ - họ chuyển từ $ sang tiền của địa phương).
Và có lẽ mọi việc sẽ không bi đát đến thế, nếu dự trữ ngoại tệ của các nước này "khá khẩm" hơn, đủ để cho "lời khuyên" từ IMF phát huy được "chút ít" hiệu quả! Nhưng - lại một lần nữa - vì hàng trăm lý do, hàng ngàn lời bào chữa, với lượng dự trữ ít ỏi - họ cuối cùng cũng buông xuôi tỷ giá - đồng thời, lãi xuất của họ - cũng bóp chết nốt những thực thể tài chính yếu ớt của họ!...
Vâng! Còn sao EU và Mỹ lại sử dụng câu thần chú "cắt giảm lãi suất" mỗi khi đứng trước nguy cơ suy thoái (thậm trí kể cả khi họ biết đang có một cái bơm - không ngừng bơm vào những cái bong bóng của họ).
Họ làm thế - để kích cầu - bởi vì sao ư? họ chính là những kẻ tiêu dùng quan trọng nhất, hào phóng nhất của TG. TG có thể không có một khu sản xuất như Đông Á, Nga, Mỹ latinh.. nhưng không thể thiếu một kẻ tiêu dùng lớn đến vậy - hắn không được phép "chết" - nếu hắn chết - tất cả cùng chết - Fed biết điều đó - còn người dân Mỹ thì chưa chắc!
Và thế là - mỗi khi suy thoái Fed tìm mọi cách thúc dục người dân Mỹ - thay vì "thắt lưng buộc bụng" hãy mở hầu bao hào phóng hơn! Tiêu dùng - là yêu nước! Họ giảm thuế, hoàn thuế, cho vay... VÀ vâng - tất nhiên - tiền không từ trên trời rơi xuống - và sự hào phóng "mù quáng" sẽ rất có thể khiến nhiều người phải trả giá đắt!..
Nhưng người Mỹ trả giá đến đâu - thì ta chưa biết - còn số phận của những con người "cùng khổ" tại Thái Lan, mỹ Latinh, Hàn Quốc...thì hiển hiện, cả những người đã từng giầu có, cả những doanh nghiệp đã từng thành công, cả những kẻ đã từng chiến thắng, từng kiêu ngạo & ảo tưởng - về tương lai...Những bài học đắt giá, và cay đắng - đáng tiếc là mấy ai trong chúng ta đã học được nó? Không nên phân tích tiếp về tài chính Việt Nam - nếu không muốn nổ ra một cuộc tranh luận vào thời điểm "nhạy cảm" này - nhưng chắc chúng ta cũng "lờ mờ" nhìn thấy một sợi dây liên hệ - giữa quá khứ - và hiện tại, sự nhắc nhở - từ một bài học - chưa phải đã quá lâu?...
Phân tích nền tài chính toàn cầu - không thể tóm trong một bài viết, và hơn hết với mỗi một nhà nghiên cứu,mỗi một người quan tâm, mỗi một vị trí, một quan điểm ta lại có những cách nhìn không giống nhau, sự đa rạng đó, càng tạo nên sự phấn khích giữa mỗi nhà bình luận, có lẽ cái chúng ta đang thiếu, là những nhà phân tích sắc sảo, những chuyên viên có trình độ, và một đội ngũ những cây bút "có trách nhiệm" với những bình luận, phân tích của mình!
Chúng ta thiếu, không chỉ là những người "cảnh báo" cho nhà đầu tư, mà chúng ta còn thiếu cả những người cảnh báo cho cả chính phủ, cảnh báo cho cả một nền kinh tế!
Xin lỗi, nếu tôi gọi rất nhiều những con số tăng trưởng là "phù phiếm" - chúng ta cần nâng cao mức sống - chứ không phải tăng trưởng - 2 cái này tưởng chừng giống nhau, nhưng lại khác nhau vô cùng!
Và kéo theo nó, là những chính sách, và những hệ quả tất yếu, chúng ta đang đứng trước một sự chuyển biến lịch sử, hãy đặt tất cả nên bàn cân, hãy phân tích, cân nhắc bằng tất cả sự cẩn trọng có thể, hãy sót thương khi một người khốn khổ - vật lộn với bệnh tật mà không chịu để cho gia đình đưa đến viện - để mà cân nhắc giá thuốc, viện phí & bảo hiểm!
Hãy nhìn vào ánh mắt người nông dân khi nhìn vào mảnh ruộng cằn cỗi - hãy nhìn vào mắt họ khi họ phải bán đi những hạt gạo cuối cùng - gửi cho con đi học đại học!
Hãy sót xa cho những gánh hàng rong, những chiếc xích lô máy, xe công nông dang âm thầm - bền bỉ nuôi sống thế hệ kế tiếp của một lớp người - đã chịu "đủ" đắng cay, đau đớn!
Hãy nghĩ suy về số phận những cánh đồng nếu giá than, giá phân bón, giá xăng dầu phi mã. Hãy đớn đau khi nhìn cái khoảng cách giầu nghèo mà người ta đáng "xé toạc" bởi những chiếc xe tiền tỉ chạy đầy đường, những sân gold bát ngát, những khách sạn xa hoa, những công viên lộng lẫy?
Chính phủ - có thể sẽ điều tiết nguồn chi phí dư ra ấy để phát triển kinh tế, nhưng liệu đã có những phân tích, những dự báo như thế nào về sự xáo trộn trong xã hội "gián tiếp - hay trực tiếp" từ chính sách kinh tế, hay đúng với chủ đề chúng ta đang bàn "chính sách tài chính"?
Liệu đã ai đo lường được tác động xã hội tại ngay cả những nơi được hưởng lợi nhiều nhất về sự tăng trưởng - chính các thành phố lớn?
Liệu sự phát triển ấy - sự hy sinh thầm lặng của đại bộ phận người nghèo ấy - có mang lại một thế Hệ kế cận tài giỏi?
Một nền giáo dục ưu tú?
Một nền văn hóa "văn minh"?
Một sự phát triển bền vững?
Chúng ta đã chuẩn bị cho tương lai như thế nào?
Tôi không quá ảo tưởng - càng không quá bi quan - nhưng tôi thực sự lo lắng!

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Hello. This post is likeable, and your blog is very interesting, congratulations :-). I will add in my blogroll =). If possible gives a last there on my blog, it is about the Fragmentadora de Papel, I hope you enjoy. The address is http://fragmentadora-de-papel.blogspot.com. A hug.